Số thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra hôm qua (26.3) tăng gấp 20 lần so với năm đầu tiên tổ chức (2018). Còn so với đợt 1 năm trước đó, kỳ thi này năm nay tăng thêm chục ngàn người.
Thi năng lực để tăng cơ hội vào ngành yêu thích
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), số liệu thống kê của Hội đồng kỳ thi đánh giá năng lực cho thấy có tới 98% thí sinh (TS) đã đến dự thi trong tổng số 89.672 đăng ký dự thi đợt 1 - tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. So với số TS dự thi chính thức đợt 1 năm 2022, năm nay tăng thêm hơn chục ngàn (năm ngoái có 79.372 TS dự thi). Nếu tính ở mức 122.696 lượt đăng ký dự thi toàn năm 2022, số này đã gấp 20 lần so với lần đầu tiên tổ chức vào năm 2018. Cùng với tăng quy mô TS, kỳ thi không ngừng được mở rộng địa điểm tổ chức, với 47 cụm thi ở 21 địa phương khác nhau.
"Khi số lượng trường ĐH và CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này phục vụ tuyển sinh tăng, số TS dự thi cũng tăng theo", tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính lý giải sự gia tăng TS tham gia kỳ thi này. Ông Chính cho biết đến thời điểm này đã có 87 đơn vị đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh năm 2023. Trong đó, ngoài 10 đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM còn có hơn 70 trường ĐH và CĐ khác.
Về phía người học khi được hỏi về mục đích tham dự kỳ thi, các TS đều cho biết kết quả kỳ thi này giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH, ngành yêu thích.
Là một trong vài TS bước ra đầu tiên ở điểm thi Trường ĐH Sài Gòn, Phước Hồng (học sinh (HS) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho biết tự tin với 85% phần bài thi đã làm. Với bài thi này, Phước Hồng mong muốn có cơ hội vào học ngành kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tương tự, Tiến Đạt (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cũng cho biết sẽ sử dụng kết quả bài thi này xét tuyển ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Trong khi đó, Hoàng Phúc (Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) cho biết có nguyện vọng xét tuyển vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Phúc cho biết điểm chuẩn ngành này các năm trước khá cao, việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khi nào các trường bắt đầu nhận đăng ký xét tuyển?
Về cách thức đăng ký xét tuyển, tiến sĩ Chính cho biết TS đăng ký xét tuyển trên cổng của ĐH Quốc gia TP.HCM không giới hạn số lượng nguyện vọng. Tuy nhiên, các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp và chỉ được xác định đủ điều kiện trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất. Với các đơn vị không tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS cần xem thông tin xét tuyển cụ thể của từng trường.
"Ngoài ra, các TS đủ điều kiện trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT, cần thực hiện đăng ký xác nhận lại nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT theo quy định chung", tiến sĩ Chính lưu ý.
Hiện các trường ĐH đã công bố cụ thể phương thức xét tuyển sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay.
Trong đó, riêng ĐH Quốc gia TP.HCM, theo kế hoạch tuyển sinh năm nay sẽ tăng cường triển khai các phương thức xét tuyển này lên tối thiểu đạt 45%.
Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM dự kiến dành 38 - 50% tổng chỉ tiêu các ngành xét tuyển kết quả kỳ thi này. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng xác định dành từ 40 - 60% chỉ tiêu.
Riêng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) áp dụng tới 2 phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này. Trong đó, phương thức xét kết quả đánh giá năng lực chỉ sử dụng kết quả kỳ thi năm 2023, nhận hồ sơ theo quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM từ ngày 5.4. TS đồng thời có học lực giỏi năm lớp 12 (hoặc học lực năm lớp 12 xếp loại khá trở lên nếu đăng ký xét tuyển vào ngành điều dưỡng) hoặc tương đương. Phương thức này áp dụng cho 45% tổng chỉ tiêu của ngành, cụ thể: y khoa 45 chỉ tiêu, dược học 23, răng-hàm-mặt 23, y học cổ truyền 34, điều dưỡng 90.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết năm nay phương thức xét tuyển tổng hợp của trường sẽ áp dụng tới 90% chỉ tiêu các ngành. Cụ thể, phương thức này sẽ xét trên các tiêu chí: học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT); năng lực khác; hoạt động xã hội. Trong đó, tiêu chí học lực chiếm 90% tổng điểm xét tuyển của phương thức này.
Về việc tiếp nhận đăng ký xét tuyển từ kết quả bài thi đánh giá năng lực, PGS Thắng cho biết trường sẽ không tiếp nhận trên cổng đăng ký xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thay vào đó, TS xét tuyển trường sẽ đăng ký các thông tin tuyển sinh bổ sung (như năng lực cá nhân, thành tích tham gia các hoạt động học thuật, văn thể mỹ, hoạt động cộng đồng…) tại cổng tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trường sẽ công bố cụ thể thời gian tiếp nhận thông tin đăng ký này khi có kế hoạch tuyển sinh chính thức của bộ. Đồng thời, TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT theo quy định. "Việc xét tuyển phương thức tổng hợp này sẽ theo lịch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, gồm cả lọc ảo và công bố kết quả", ông Thắng cho hay.
Các đơn vị ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã công bố dành một phần chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 để xét tuyển điểm bài thi đánh giá năng lực. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dành khoảng 10 - 15% chỉ tiêu mỗi ngành. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến dành 10% tổng chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM… Hiện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã mở cổng đăng ký các ngành theo phương thức sớm từ ngày 15.3, trong đó có phương thức xét dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1.
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC