Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2024 có gì mới?

Thứ ba - 30/01/2024 19:40:56


Chỉ còn khoảng hơn 4 tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Để giúp các em có thể chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng nhất, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra một số thông tin xung quanh kỳ thi quan trọng này.

thi tốt


Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường đại học

Tại một chương trình Tư vấn mùa thi 2024 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn có nên đầu tư cho kỳ thi đánh giá năng lực nhiều hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT không khi mà hiện nay xu hướng các kỳ thi đánh giá năng lực dần trở nên phổ biến và được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển.

Thông tin tới các em học sinh về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các em học sinh cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường rất tốt trong toàn quốc. Do đó, ngoài kỳ thi chung, nếu muốn các em nên lựa chọn thêm 1 - 2 kỳ thi riêng của các trường đại học nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, năm nay, thí sinh xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của thí sinh, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh theo thứ tự ưu tiên. "Các em thí sinh cứ yên tâm, khi có kết quả học tập tốt nhất định sẽ đỗ vào ngành, trường yêu thích nhất".

Bộ GD&ĐT có điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật trên hệ thống xét tuyển chung

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành mới quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Quy chế tuyển sinh hiện hành được ban hành và áp dụng từ năm 2022 tiếp tục có hiệu lực trong năm nay. Bộ GD&ĐT chỉ có những điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Về cơ bản, quy trình xét tuyển vẫn giữ ổn định từ 2023 đến năm nay, vai trò của các trường và Bộ là hỗ trợ thí sinh để thí sinh có quyền lợi tốt nhất.

Về dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT không thay đổi nhiều so với năm ngoái, chỉ cập nhật thêm một số chứng chỉ ngoại ngữ để thuận lợi hơn cho học sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thông tin thêm: "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế thống nhất với tinh thần giữ ổn định không ảnh hưởng đến học sinh năm nay. Ở thời điểm này, thí sinh có thể tham khảo các mốc thời gian của năm trước".

Nếu trượt tốt nghiệp 2024, năm sau sẽ thi thế nào?

Về vấn đề này, theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em đã có sự chuẩn bị 3 năm, nếu trượt là lỗi của mình quá lớn. "Năm 2025, học sinh của chương trình giáo dục phổ thông mới bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ không có điều kiện riêng biệt cho các bạn trong kỳ thi năm sau. Tuy nhiên, có thể cách đo lường khác nhau nhưng kiến thức nền tảng như nhau. Nếu học đúng bản chất thì dù đánh giá bằng cách nào, kết quả nào cũng không chênh lệch. Một học sinh có học lực giỏi thì không kỳ thi nào có thể làm khó mình".

Trước đó, tại buổi họp báo công bố thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 20225 vào cuối tháng 11/2023 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Nguyên lý chung là các em học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Với em mà trượt tốt nghiệp năm 2024, Bộ GD&ĐT có thể tính toán để các em vẫn có thể được thi theo hình thức của chương trình phổ thông 2006. Do đó, các em hoàn toàn có thể yên tâm, rằng không phải học theo chương trình 2006 mà phải thi theo chương trình phổ thông 2018".

 

Theo Đỗ Vi

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây