Các quận, huyện tại TP.HCM đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp để báo cáo Sở GD-ĐT, chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Dự kiến có những điểm mới trong tuyển sinh lớp 6 ở một số địa phương.
TP.Thủ Đức dự kiến mở rộng khảo sát ở 3 trường
Trong hơn 10 năm, TP.HCM có duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ. Đến năm học 2023 - 2024, có thêm Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức). Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự kiến năm học 2024 - 2025 sẽ có thêm một số trường THCS mà số lượng học sinh (HS) có nguyện vọng vào học cao hơn chỉ tiêu sẽ thực hiện tuyển sinh.
Hiệu trưởng một trường THCS trung tâm TP.HCM cho biết, trước đây trường áp dụng phương thức tuyển sinh những HS giỏi, có thành tích nổi bật từ các trường tiểu học trong quận. Theo đó, trường đưa ra tỷ lệ cụ thể, mỗi trường tiểu học sẽ chọn danh sách đáp ứng đủ các tiêu chí để gửi về ban chỉ đạo tuyển sinh quận. Có trường thì dành 50% chỉ tiêu lớp 6 cho HS trong tuyến, 50% dành cho HS toàn quận nhưng phải đáp ứng đủ các tiêu chí như chứng chỉ tiếng Anh, tin học, điểm học bạ lớp 5… Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cho hay: "Hằng năm số HS đáp ứng đủ điều kiện đưa ra vẫn cao hơn chỉ tiêu rất nhiều. Hội đồng tuyển sinh của trường phải thống kê, liệt kê, nêu cụ thể, so sánh từng kết quả của HS và xét phương án từ cao xuống thấp, đến khi đủ chỉ tiêu"…
Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 thực hiện tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát tương tự như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho hay: "Với số lượng HS có nguyện vọng theo học rất đông nhưng chỉ tiêu không nhiều, nếu xét tuyển đầu vào bằng điểm toán, tiếng Việt ở bậc tiểu học cũng như các chứng chỉ tiếng Anh sẽ rất khó đảm bảo. Vì thế, việc tổ chức khảo sát sẽ giúp trường chọn lựa được những HS thực sự xuất sắc và phù hợp".
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cũng thông tin về kế hoạch tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Cụ thể, Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức sẽ xây dựng kế hoạch và đề xuất mở rộng trường THCS thực hiện tuyển sinh lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực tương tự như hình thức tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Như vậy, sau một năm thực hiện việc tuyển sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quốc Toản 1 theo quy trình và đề bài khảo sát lớp 6 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đến năm học 2024 - 2025, TP.Thủ Đức mở rộng thêm hình thức này cho Trường THCS Hoa Lư và Bình Thọ. Đồng thời, Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức sẽ chủ động trong việc biên soạn nội dung bài khảo sát.
Người đứng đầu Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức cho biết cấu trúc bài khảo sát sẽ tương tự như bài khảo sát vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Phòng GD-ĐT sẽ đề xuất thời gian khảo sát của 3 trường tại TP.Thủ Đức không trùng với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa để đáp ứng tối đa nhu cầu, nguyện vọng và cơ hội tham gia tuyển sinh vào trường mà HS mong muốn.
Sẽ thức hiện khảo sát 2 trường "nóng" ở Q.4, Q.7?
Ông Đoàn Bội Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT Q.4, cho biết quận đang trình xin ý kiến từ Sở GD-ĐT TP.HCM và chuẩn bị các phương án tuyển sinh. Nếu được chấp thuận, năm học 2024 - 2025, quận sẽ thực hiện tuyển sinh lớp 6 vào Trường THCS Vân Đồn bằng bài khảo sát đánh giá năng lực.
Khi đề cập đến kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học mới, ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.7, thông tin quận vẫn đang từng bước xây dựng kế hoạch, trong đó có lưu ý đến những trường có số nguyện vọng lớp 6 cao hơn so với thực tế số chỗ học. Tuy nhiên, quận vẫn phải chú trọng trước hết bảo đảm đủ chỗ học cho HS trong độ tuổi. Được biết, tại Q.7, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ là trường hằng năm đều có áp lực về tuyển sinh bởi nhu cầu của phụ huynh HS khá lớn. Vì thế lãnh đạo quận này cho biết: "Nếu sử dụng bài khảo sát tuyển sinh lớp 6 vào trường này thì những HS theo phân tuyến như trước đây sẽ được bố trí, sắp xếp vào các trường THCS lân cận như THCS Trần Quốc Tuấn…".
Mở rộng quận, huyện áp dụng bản đồ GIS
Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện đổi mới tuyển sinh đầu cấp ứng dụng mạnh mẽ công tác chuyển đổi số. Cụ thể, TP.HCM thực hiện việc tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến 100% từ trường mầm non cho đến THPT và thí điểm áp dụng bản đồ GIS trong phân tuyến (có thể không phân bổ HS theo địa giới hành chính mà theo điều kiện cư trú thực tế để đảm bảo tiêu chí học trường gần nơi cư trú nhất có thể) tại TP.Thủ Đức, Q.8, Q.Tân Bình.
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá thực hiện phương thức tuyển sinh trực tuyến đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ và đặc biệt tránh tối đa việc di chuyển nhiều lần giữa các cơ quan hành chính cho người dân trong suốt thời gian đăng ký tuyển sinh. Trung bình một người dân từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc tuyển sinh sẽ chỉ di chuyển một lần đến trường khi nộp hồ sơ nhập học cho con em.
Việc áp dụng công nghệ bản đồ GIS kết hợp với việc khai thác dữ liệu thông tin nơi ở của HS đã hỗ trợ phân bổ HS vào các trường trên địa bàn thuận lợi trong việc di chuyển, nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh. Công tác báo cáo số liệu được cập nhật chính xác và liên tục theo thời gian thực đã hỗ trợ cho các cấp quản lý theo dõi và xử lý nhanh các vấn đề, sự cố xảy ra trong suốt thời gian tuyển sinh. Từ đó tạo được mối liên hệ chặt chẽ giữa người dân với ngành giáo dục, tránh tối đa tiêu cực có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền hướng dẫn ở các cơ sở giáo dục chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vẫn còn một số ít người dân chưa nắm được những thay đổi, các quy định và khung thời gian đăng ký trong công tác tuyển sinh.
Sự phối hợp của một số phòng GD-ĐT với Sở GD-ĐT trong việc xây dựng các báo cáo, thống kê, đặc biệt là việc hướng dẫn, trả lời, xử lý các sự cố vẫn còn chậm trễ và thiếu thống nhất, tạo ra sự lo lắng, hoang mang cho một số phụ huynh HS.
Theo ông Khoa, công tác cập nhật điều chỉnh dữ liệu còn nhiều sai sót, một số phòng GD-ĐT tập huấn không đầy đủ dẫn đến tình trạng một vài cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh di chuyển nhiều lần, không giải quyết triệt để gây bức xúc cho một bộ phận dư luận…
Nói về kế hoạch tuyển sinh cho năm tới, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh sẽ có những điều chỉnh để ngày càng phù hợp, thuận tiện hơn. Sở GD-ĐT nhận định, bản đồ GIS là một công cụ cần thiết, nếu được phát triển và đầu tư tốt sẽ trở thành một công cụ quan trọng phục vụ cho công tác tuyển sinh của TP nên cần được triển khai rộng trong những năm tiếp theo.
Theo Bích Thanh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC