Bất ngờ với điểm xét tuyển học bạ và kết quả học tập của SV

Thứ bảy - 20/01/2024 06:36:44


Từ thống kê của các trường ĐH cho thấy phương thức xét tuyển đầu vào khác nhau sẽ có những khác biệt nhất định về kết quả học tập của sinh viên.

Để phục vụ công tác tuyển sinh, các trường ĐH chủ động phân tích kết quả học tập của sinh viên (SV) theo từng phương thức tuyển sinh. Đây được xem là tiêu chí quan trọng tác động tới việc điều chỉnh các phương thức xét tuyển của các trường. Trong bối cảnh năm nay một số trường không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển, kết quả học tập của SV trúng tuyển bằng phương thức này được nhiều người quan tâm.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH được quyền chủ động trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù trường mình. Dù trúng tuyển bằng phương thức nào, SV đều học chung một chương trình và được đánh giá theo cách như nhau. Từ thống kê của các trường cho thấy phương thức xét tuyển đầu vào khác nhau sẽ có những khác biệt nhất định về kết quả học tập bậc ĐH của SV.

bất ngờ


Điểm học bạ 25 nhưng điểm thi tốt nghiệp tương ứng chỉ 8 - 10

Nhiều trường ĐH đã thực hiện các thống kê để phân tích và đánh giá hiệu quả phương thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT. Trên cơ sở đó, trường có những điều chỉnh về cách thức tính điểm cho phương thức này.

Chẳng hạn, Trường ĐH Nha Trang sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trong 2 năm 2017 và 2018. Sau 2 năm triển khai, thống kê của trường cho thấy có đến 20% SV (tương đương hơn 1.000 em) có xếp loại yếu kém. Các SV này nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 - 2 học kỳ đầu.

PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết một trong những nguyên nhân chính và chủ yếu khi có tỷ lệ SV yếu kém bị đuổi học là do trường sử dụng phương thức xét bằng học bạ, đặc biệt chỉ xét điểm 3 môn tổ hợp của kết quả lớp 12. Trong đó, có những SV tổ hợp xét tuyển bằng học bạ 3 môn đạt 25 điểm nhưng thi tốt nghiệp THPT tương ứng chỉ 8 - 10 điểm (tức chênh lệch nhau tới 17 điểm). Kết quả học tập của SV này sau 2 học kỳ đầu tại trường ĐH chỉ đạt mức trung bình.

Sau khi có kết quả đánh giá, Trường ĐH Nha Trang đã dừng xét tuyển học bạ 1 năm, sau đó quay trở lại sử dụng phương thức này nhưng theo cách mới: sử dụng điểm của 4 môn trong suốt 6 học kỳ THPT kèm theo điểm điều kiện tiếng Anh ở một số ngành. PGS Phương cho biết, với sự điều chỉnh này, trường vẫn sử dụng phương thức xét học bạ nhưng đánh giá toàn diện hơn.

Điểm xét học bạ 5 học kỳ tương đương thi tốt nghiệp THPT

Mới đây, Trường ĐH Công thương TP.HCM công bố thống kê kết quả xếp loại tốt nghiệp của SV theo phương thức tuyển sinh từ năm 2019 - 2023. Theo đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ SV xếp loại xuất sắc đạt 0,21%; giỏi 6,56%; khá 69,24% và trung bình 23,98%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT gồm: xuất sắc đạt 0,24%; giỏi 5,44%; khá 65,12% và trung bình 29,2%.

Từ thống kê trên, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, nhận định kết quả học tập của SV xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tương đương SV tuyển bằng phương thức xét học bạ. Đặc biệt, các SV tốt nghiệp năm 2022, 2023 còn có mức độ tương đương cao hơn về xếp loại giữa 2 phương thức.

Thạc sĩ Sơn nhìn nhận: "Đây là bằng chứng cho thấy kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT cũng tương tự xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường ĐH Công thương TP.HCM". Tuy nhiên, theo thạc sĩ Sơn, kết quả trên có thể sẽ khác so với các trường khác. Một mặt do cách thức tính điểm cụ thể của phương thức xét học bạ, mặt bằng điểm chuẩn từng ngành. Mặt khác, ngoài yếu tố tuyển sinh đầu vào thì kết quả học tập của SV còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo tại trường đó.

Ông Sơn cho biết, kết quả xét học bạ THPT của trường các năm dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ đầu bậc THPT của học sinh, điểm chuẩn dao động ở mức từ 22 - 27; điểm chuẩn phương thức thi tốt nghiệp THPT trong khoảng từ 18 - 25.

Từ số liệu trên, thạc sĩ Sơn cho biết dự kiến một trong những phương thức tuyển sinh từ năm 2025 của trường vẫn là xét học bạ THPT, với tỷ lệ chỉ tiêu có thể giảm xuống ở mức 20%. Tuy nhiên, trường sẽ nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra các môn học sử dụng xét tuyển cho phương thức này để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tùy thuộc điểm chuẩn xét học bạ

Trong khi đó, kết quả thống kê của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với hơn 5.000 SV trúng tuyển năm 2017 và gần 6.000 SV trúng tuyển năm 2018 cho thấy có những khác biệt.

Số liệu thống kê kết quả học tập 2 năm đầu của SV khóa tuyển sinh 2017 cho thấy tỷ lệ xếp loại học lực khá trở lên của phương thức xét học bạ là thấp nhất trong các phương thức. SV xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (nay là thi tốt nghiệp THPT) có tỷ lệ yếu kém cao nhất trong các phương thức nhưng số SV tiếp tục học lên năm thứ 2 chiếm 90,8% so với năm đầu, tức tỷ lệ rơi rụng gần 10%.

Với khóa 2018, tỷ lệ SV đạt loại khá, giỏi và xuất sắc của phương thức xét học bạ cao hơn so với kết quả thi. Hơn nữa, tỷ lệ người học thuộc diện yếu kém của phương thức học bạ cũng thấp hơn SV xét điểm thi. Lý do được trường nêu ra là điểm chuẩn phương thức học bạ khóa này khá cao.

Năm 2024, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dự kiến dành khoảng 60% chỉ tiêu cho xét học bạ. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết từ việc theo dõi quá trình học tập của SV các phương thức, trường vẫn quyết định duy trì phương thức xét tuyển dựa vào học bạ vì trường đánh giá học sinh theo kết quả học tập 6 học kỳ cấp THPT.

 

Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây