Những câu hỏi nóng về giáo dục 'vắt' từ năm này qua năm khác

Chủ nhật - 02/01/2022 06:22:19

Những ồn ào liên quan đến thi cử; thiếu giáo viên; quy định lỗi thời về khen và kỷ luật học sinh; có nên tồn tại mô hình trường chuyên; quản lý dạy thêm thế nào… vẫn tồn đọng từ năm này sang năm khác.
 
Những câu

Năm 2022 chờ có câu trả lời bằng hành động cho những vấn đề trên.

Tại sao năm nào cũng đau đầu với thực trạng thiếu giáo viên?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến giữa năm 2021, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.

Đây không phải là câu chuyện của năm 2021 mà của rất nhiều năm qua, vấn đề càng trở nên bức thiết, “sống còn” hơn khi ngành GD-ĐT thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới, yêu cầu mới.

Như thường lệ, triển khai nhiệm vụ năm học hàng năm, ngành GD-ĐT từ bộ đến các sở đều có chung đề xuất là bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu để đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp, giáo viên dạy các môn học mới…

Năm 2021, căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, chủ yếu là giáo viên mầm non, tiểu học và đề nghị này có được đáp ứng hay không vẫn chưa có lời đáp.

Khi nào giáo viên có “đồng lương đủ sống”?

Với vấn đề lương của nhà giáo, tháng 4.2021, trả lời báo chí ngay trong ngày trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn nhắc đến nhóm việc nóng, cấp bách "muốn hay không cũng phải làm ngay".

Một trong những việc mà tân Bộ trưởng nói muốn làm ngay, đó là: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện”. Điều này chạm đến mong mỏi chính đáng của giáo viên từ rất lâu nay. Tuy nhiên, họ không đặt nhiều hy vọng về phát biểu này của tân bộ trưởng bởi, hứa hẹn về đồng lương của giáo viên phải đủ sống đã qua nhiều thời kỳ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Lời hứa của một vị Bộ trưởng trước đó rằng, “đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương” đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng đồng lương của giáo viên cũng không được cải thiện so với các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, các nhà giáo cũng hiểu rằng, một mình vị trưởng ngành GD-ĐT sẽ không thể quyết định và thực thi được khi mà mỗi lần chính sách tiền lương của giáo viên đưa ra bàn thì 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng tình với lý do như vậy sẽ “phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”…

Quy định khen thưởng, kỷ luật quá lỗi thời sao vẫn chưa thay đổi?

Tháng 7.2020, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông, dự kiến thay thế Thông tư 08/TT của bộ này ban hành từ năm 1988. Thời điểm đó, dư luận đồng loạt "reo lên" vì tưởng rằng những quy định quá lỗi thời sắp được “khai tử”.

Một trong những nội dung bị phản ứng gay gắt trong quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông hiện hành là việc phê bình trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi (tùy theo mức độ). Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông công bố thời điểm đó đã bãi bỏ quy định này.

Thay vào đó, dự thảo yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh…

Tuy nhiên, từ tháng 7.2020 đến nay, dự thảo của Bộ vẫn chỉ là… dự thảo. Bất cứ khi nào hỏi đến, câu trả lời mà phóng viên nhận được đều là “đang hoàn thiện”. Việc chậm trễ thay đổi quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh đã tồn tại đến gần 35 năm và nhiều năm bị chính các cơ sở, chuyên gia giáo dục và học sinh phản ứng vì đã quá lỗi thời mà Bộ vẫn chưa thể thay đổi sau nhiều lần “nâng lên, đặt xuống” là điều rất khó hiểu.

Bao giờ Bộ "chốt" về mô hình trường chuyên?

Năm 2020, dư luận tranh luận gay gắt về sự tồn tại của mô hình trường chuyên khi có ý kiến đề xuất “bán” Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam danh tiếng ở Hà Nội.

Đó cũng là thời điểm Đề án phát triển hệ thống trường chuyên với mức kinh phí được xác định hơn 2.312 tỉ đồng cùng rất nhiều mục tiêu đặt ra, kết thúc chặng đường 10 năm.

Mục tiêu chung của đề án là xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục có chất lượng giáo dục cao, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tháng 9.2020, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định dự kiến tháng 11 cùng năm, bộ này sẽ tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Sau hội nghị tổng kết này, Bộ GD-ĐT có thể tham mưu Chính phủ tiếp tục ban hành đề án mới hoặc xác định lại mô hình trường chuyên trong tương lai.

Đây là thông tin được dư luận chờ đợi với nhiều bình luận, đề xuất với mong muốn hội nghị này sẽ đưa ra để bàn thảo.

Tuy nhiên, hơn 1 năm đã trôi qua, Bộ GD-ĐT vẫn chưa tổ chức tổng kết mô hình này sau 10 năm thực hiện Đề án 959 như đã hứa, để trả lời cho dư luận câu hỏi việc đầu tư cho hệ thống trường chuyên có hiệu quả hay không, nên đi tiếp hay dừng mô hình tốn kém nhiều ngân sách này?.

Khi nào có quy định để quản lý dạy thêm, học thêm?

Trả lời Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ GD-ĐT đã từng 2 lần đề xuất nội dung này bất thành.

Cụ thể, năm 2020, Bộ GD-ĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Đề nghị này của Bộ GD-ĐT không được chấp nhận và các kỳ họp Quốc hội năm 2020 Bộ GD-ĐT cũng nhận được nhiều chất vấn của cử tri về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Trong văn bản trả lời về vấn đề này năm 2020, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: “Công tác quản lý dạy thêm còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do trong luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư năm 2014, không có nội dung về dạy thêm, học thêm. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về dạy thêm, học thêm không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm học thêm cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua”.

Do chưa có quy định khác thay thế nên việc cấp phép và quản lý dạy thêm ngoài nhà trường ở tất cả địa phương đến nay vẫn “án binh bất động”. Nhiều lãnh đạo ngành GD-ĐT cho biết các địa phương đang rất lúng túng, chưa biết hướng dẫn quản lý hoạt động này ra sao…

Các địa phương cũng cho rằng nhu cầu học thêm, dạy thêm là có thật, do đó, Bộ GD-ĐT cần sớm có văn bản chỉ đạo về vấn đề này để cơ sở có căn cứ pháp lý thực hiện.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây