'Mỗi ngày đến trường là một ngày vui' phải biến thành hiện thực

Chủ nhật - 02/01/2022 06:15:12

Giáo dục là quốc sách hàng đầu luôn được mọi quốc gia chăm lo đầu tư nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài đón đầu và thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.
 
Mỗi ngày

Dù vậy, ngành giáo dục nước nhà liên tục xảy ra các vấn đề nóng khiến dư luận búc xúc, hoài nghi. Đây là một điểm trừ khiến niềm tin vào môi trường giáo dục ít nhiều bị suy giảm.

Trong bối cảnh thực tại, khi công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục vừa khởi động những bước đi đầu tiên, ngành giáo cần phải neo giữ niềm tin của xã hội mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo sự đồng thuận cao trong dư luận.

Muốn vậy, xin kiến nghị một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hãy rà soát lại đội ngũ nhà giáo, kịp thời phát hiện và khắc phục những lỗ hổng về chuyên môn, năng lực, nhân cách của một bộ phận giáo viên.

Bởi dư luận đã ngán ngại vô cùng vấn nạn thầy đánh trò, thầy gạ gẫm trò đổi điểm, cô mắng trò “óc trâu” lúc dạy học trực tuyến, cô lộ ảnh nóng khi tập huấn trực tuyến… “Lương sư hưng quốc” - Người thầy không chỉ cần một cái đầu của nhà khoa học hiểu sâu biết rộng mà còn cần một trái tim đủ nhẫn nại và kiên trì uốn nắn trò, đủ bao dung và vị tha để mở rộng tấm lòng trao gửi yêu thương.

Dựng lại hình ảnh người thầy mẫu mực để xứng đáng là tấm gương cho học sinh noi theo là điều tiên quyết.

Thứ hai, hãy cởi trói áp lực để người thầy toàn tâm toàn ý chăm lo cho chuyên môn và an nhiên tự tại đến lớp, thăng hoa cùng bài giảng.

Đó là áp lực về lương, thưởng và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến bao người loay hoay với gánh nặng cơm áo gạo tiền rồi bôn ba với đủ nghề tay trái khiến nhiệt tâm đào sâu chuyên môn hao hụt ít nhiều.

Đó là áp lực về vô số công việc không tên cuốn người thầy vào vòng xoáy bận rộn…

Thứ ba, chấm dứt lạm thu học đường, bệnh thành tích, an toàn thực phẩm.

Lạm thu học đường là câu chuyện không mới nhưng sau bao năm vẫn chưa thể khắc phục được dẫu cho thông tư, chỉ thị, công văn hỏa tốc của cơ quan quản lý giáo dục liên tục đẩy xuống cấp cơ sở. Dịch Covid-19 suốt hai năm nay khiến vấn nạn chững lại, dù vậy nơi này nơi kia vẫn xì xào về các khoản thu dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục.

Vấn đề an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú luôn khiến phụ huynh bận lòng. Đưa con đến lớp, đóng các khoản thu thỏa thuận với nhà trường, ai cũng mong con trẻ được hưởng nền giáo dục an toàn, được ăn uống và vui chơi lành mạnh để phát triển toàn diện. Thế rồi hình ảnh bữa ăn thiếu chất, thực phẩm đầu vào hư hỏng thỉnh thoảng dội đến khiến lòng người bất an.

Thứ tư, văn hóa học đường cần được vun bồi khẩn cấp để trả lại môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Trường học phải là nơi nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Trò kính trọng và biết ơn thầy, phụ huynh thấu hiểu và đồng hành cùng người thầy dạy dỗ, uốn nắn và vun bồi con trẻ thành những công dân tốt.

Trường học phải là mái nhà của tình yêu thương. Thầy yêu thương và tôn trọng trò, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói phản biện từ những cô cậu học sinh, nhiệt tâm khơi lên tư duy sáng tạo trong mảnh đất màu mỡ của tuổi thơ, tuổi trẻ. Trò với trò thân thiện, hòa nhã, nêu cao tinh thần tương thân tương ái chống lại các biểu hiện tiêu cực của vấn nạn bạo lực học đường.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” phải biến thành bức tranh hiện thực chứ đừng chỉ lửng lơ ở khẩu hiệu.
Theo Trang Hiếu
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây