Bộ GD-ĐT vừa công bố đề minh họa môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Cấu trúc đề thi năm nay cơ bản giống với 2023 và những năm gần đây. Tuy quen thuộc nhưng nếu thí sinh không chú ý sẽ khó đạt kết quả cao.
Lưu ý tránh mất điểm ở phần đọc hiểu
Ở câu 1 của phần đọc hiểu (xác định thể thơ), trong các năm gần đây, đề thi sử dụng những đoạn trích thuộc thể thơ tự do. Với câu hỏi đơn giản này, nếu thí sinh không chịu tìm hiểu, hoặc máy móc ghi đáp án sẽ mất điểm. Đây là thực tế những năm trước, giám khảo nhận thấy nhiều thí sinh xác định sai thể thơ vì chủ quan làm bài rập khuôn hoặc thiếu kiến thức về thể thơ.
Câu 2 ở phần đọc hiểu là câu hỏi về biện pháp tu từ. Dạng câu hỏi này thường yêu cầu xác định (gọi tên, chỉ ra) và nêu tác dụng, tức thuộc câu hỏi thông hiểu. Tuy nhiên, câu 2 chỉ yêu cầu ở mức độ nhận biết (chỉ ra biện pháp tu từ). Vì vậy, thí sinh không cần nêu tác dụng, vì dư thừa, mất thời gian. Khi trả lời, thí sinh cần trình bày đầy đủ 2 vế (gọi tên phép tu từ gì, chỉ ra ở đâu). Nếu mất vế sau, các em sẽ bị trừ nửa số điểm. Trong đề minh họa, đoạn thơ có 2 phép tu từ, gồm so sánh (bay như chưa biết mình từ nước) và phép điệp (chưa từng). Do đề không có giới hạn yêu cầu (1 phép tu từ), vì vậy thí sinh cần nêu hết tất cả phép tu từ.
Với câu 3 phần đọc hiểu (nêu nội dung 4 câu thơ), thí sinh khó đạt trọn điểm. Giám thị chấm thi các năm trước nhận xét, cách thí sinh trả lời câu hỏi này khá đa dạng, hầu hết không sát với yêu cầu đáp án chấm, do cách hiểu khác nhau. Vì vậy, thí sinh nên bám sát ngữ nghĩa của đoạn thơ, hiểu ý nghĩa cụ thể và nghĩa hàm ý nếu có. Đặt đoạn ngữ liệu trong tổng thể văn bản của đề để không bị hiểu sai. Với đề minh họa, gợi ý câu trả lời là: Những dòng thơ cho thấy sự hóa thân, hòa mình của những đám mây trong nhiều trạng thái tồn tại (0,5 điểm). Bên cạnh đó cũng cho thấy sự tuần hoàn vô tận của vũ trụ, thiên nhiên... (0,5 điểm).
Câu 4 phần đọc hiểu có cấu trúc tương tự đề thi chính thức năm 2023: “Từ suy ngẫm của tác giả qua đoạn trích, thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân”. Với yêu cầu đáp án chấm của đề thi năm 2023 vừa qua, thí sinh cũng cần có 2 thao tác cho câu hỏi này, gồm: nêu suy ngẫm của tác giả và bàn về bài học cho bản thân. Thí sinh nên viết thành đoạn văn ngắn, có kèm lý giải. Gợi ý bài học của câu hỏi này là: sống tích cực, lạc quan; sống hết mình cho hiện tại; chấp nhận thử thách, gian khó để vượt qua và đi đến đích cuối cùng;...
Chú trọng kỹ năng viết ở phần làm văn
Với phần làm văn (7,0 điểm), gồm viết đoạn văn ngắn (suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách) và phân tích đoạn trích trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), thí sinh cần nắm chắc kỹ năng viết. Đó là kỹ năng viết đoạn văn ngắn đúng chủ đề, triển khai theo bố cục hợp lý, lập luận chặt chẽ, lý lẽ sáng rõ, dẫn chứng thuyết phục và những bài học cụ thể cho bản thân...
Với việc phân tích đoạn bút ký, thí sinh cần nắm vững kỹ năng phân tích đoạn trích văn xuôi; cần vận dụng hiểu biết về thể loại bút ký và phong cách nghệ thuật của tác giả để làm bài đúng trọng tâm. Thí sinh cần chú ý câu hỏi gồm 2 vế yêu cầu, nên tách riêng. Bài làm môn ngữ văn muốn có điểm cao cần thêm các yếu tố khác, như tính sáng tạo (liên hệ so sánh, kiến thức lý luận văn học...); khả năng diễn đạt (biểu cảm, dùng từ, đặt câu...).
Theo Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC