Ngành Hóa học - cơ hội việc làm lớn, đòi hỏi chuyên môn cao

Thứ ba - 31/10/2023 07:12:35


Kỹ thuật Hóa học đang ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành nghề không thể thiếu trong các lĩnh vực sản xuất.

Ngành Hóa học


Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp, công ty sản xuất luôn cần nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản từ ngành này.

Chủ động để tạo ra cơ hội

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thơm - cựu sinh viên ngành Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện đang làm việc tại Trường ĐH VinUni: “Từ năm thứ nhất, tôi đã chủ động tìm đến giảng viên bộ môn để xin được thầy, cô hướng dẫn. Nhờ vậy, tôi được tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học, được đến làm việc tại các phòng thí nghiệm từ khi mới chân ướt chân ráo vào trường”.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, chị Thơm cho rằng, ngay khi nhập học, bạn nên xin tham gia vào một nhóm nghiên cứu hoặc tìm đến các thầy, cô đang phụ trách chuyên ngành, phù hợp với bản thân, sẵn sàng nhận hướng dẫn sinh viên để học hỏi kinh nghiệm.

Các bạn chủ động nhờ người hướng dẫn tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch, định hướng trong thời gian học đại học. Thậm chí, khi bạn thể hiện là người chăm chỉ, chịu khó thì thầy, cô chính là người giới thiệu việc làm hoặc viết thư giới thiệu để bạn xin học bổng đi du học sau đại học.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Trúc Linh - giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: “Ngành Hóa học có nhiều chuyên ngành hẹp với những cơ hội việc làm khác nhau. Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh về cơ hội việc làm, sinh viên ngành Hóa học cần chăm chỉ học tập ngay từ những năm đầu tiên khi bước chân vào đại học. Với điểm tích luỹ tốt của năm nhất và năm hai, sinh viên có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn được chuyên ngành mình yêu thích, cơ hội việc làm cao hơn so với những chuyên ngành khác.

Trong các năm cuối, các bạn ngoài việc hoàn thành chương trình đào tạo bậc đại học đúng thời hạn quy định, cần tăng cường học ngoại ngữ, đồng thời học bổ sung các chứng chỉ ở tại trung tâm kiểm định, phân tích”.

Lý giải về việc tăng cường học ngoại ngữ và các chứng chỉ bổ sung, PGS.TS Nguyễn Thị Trúc Linh nói: “Môi trường giáo dục đại học mặc dù đã có nhiều biến chuyển trong những năm gần đây, với mục tiêu đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, tuy nhiên, sinh viên khi vừa tốt nghiệp đại học vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi ra làm việc ở môi trường thực tế. Sự khác biệt này xuất phát từ kiến thức nền học thuật, hàn lâm mỗi người tiếp thu được tại trường đại học và kiến thức được áp dụng thực tế tại các nhà máy, doanh nghiệp”.

Là người tìm được việc làm trước khi tốt nghiệp, chị Thơm chia sẻ: “Với những người lần đầu đi xin việc, nhà tuyển dụng cũng không đặt nặng về bằng cấp hay bảng điểm mà họ thường ưu tiên đặt các câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian học đại học cũng như kỹ năng nghiên cứu, làm việc tại phòng thí nghiệm. Quan trọng là bạn cần thể hiện cho họ thấy được sự đam mê, nhiệt huyết và muốn cống hiến của mình.

Hãy tận dụng thời gian quý báu khi còn ngồi trên ghế nhà trường tích luỹ thêm tri thức, rèn luyện kỹ năng để sau khi bước ra khỏi cánh cổng đại học, các bạn có thể tự tin, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt để hoàn thành tốt công việc”.

Điểm mạnh và yếu của sinh viên ngành Hóa

Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, chương trình đào tạo ngành Hóa học ở Việt Nam được các trường thiết kế bài bản, khá chuyên sâu. Sinh viên được tiếp cận với tất cả các lĩnh vực trong ngành Hóa để có thể lựa chọn được những chuyên ngành phù hợp với năng lực cũng như đam mê. Đặc biệt, các trường rèn luyện cho sinh viên kỹ năng làm việc, hoà nhập môi trường khá nhanh.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực sản xuất hiện nay luôn cần đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản của ngành Hóa học. Do đó, người tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Y tế (dược phẩm, hóa dược, chăm sóc sức khỏe); công nghệ thực phẩm; vật liệu xây dựng; vật liệu công nghệ cao (vi mạch, màn hình OLED, LED...); sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp điện tử; nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...); sản xuất hàng tiêu dùng; Môi trường (xử lý chất thải, khí thải...); thời trang (dệt, nhuộm)…

Theo ông Ngô Đức Tố - Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty Cổ phần quốc tế Hải Dương (TPHCM), sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa học cơ hội việc làm rất phong phú. Trước khi tốt nghiệp, sinh viên cần chú trọng đến các yếu tố để tăng cơ hội việc làm cho bản thân như nắm chắc kiến thức chuyên ngành, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm (thực hiện phép đo, xử lý số liệu, sử dụng thiết bị, bảo quản...); phân tích và giải quyết vấn đề liên quan đến công nghệ, quy trình kỹ thuật hóa học.

“Đặc biệt, các bạn cần chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, không ngừng học hỏi, cập nhật cái mới để ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn”, ông Ngô Đức Tố nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của nhà tuyển dụng, ông Ngô Đức Tố chỉ ra những hạn chế mà sinh viên đang gặp phải như bị động, học gì làm đó, kỹ năng mềm hạn chế… Trong khi đó, nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ngoài kiến thức, kỹ năng cơ bản họ thường yêu cầu nhân viên làm được đa lĩnh vực.

“Ở trường khi thầy cô đưa cho bạn một mẫu yêu cầu phân tích thì chỉ cần phân tích mẫu đó. Nhưng thực tế đi làm ngoài phân tích mẫu các bạn phải biết lựa chọn nguyên liệu, các tiêu chuẩn sản phẩm, máy móc thiết bị, cách đo lường, bảo dưỡng, hiệu chuẩn thì sinh viên gần như chưa nắm chắc được.

Do đó khi làm việc tại các công ty, bạn nên thường xuyên xuống nhà máy quan sát cách vận hành máy móc, học hỏi qua các kỹ thuật viên, công nhân trực tiếp làm, chịu khó hỏi han những điều chưa rõ, thay vì tập trung hoàn toàn thời gian về nghiên cứu để có thể có thêm kinh nghiệm”, ông Ngô Đức Tố nói.

 

Theo Văn Đức
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây