Kinh nghiệm quốc tế về thi hay xét tốt nghiệp THPT

Thứ sáu - 27/10/2023 18:34:12


Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) vừa tổng hợp từ nghiên cứu của một số chuyên gia về kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT của một số nước điển hình ở các châu lục trên thế giới và cho rằng có một điểm chung là phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ.

kinh nghiệm


Trung Quốc thi 3 môn, Nhật Bản và Hàn Quốc không thi

Theo tổng hợp trên, Trung Quốc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT thống nhất trong cả nước tại các tỉnh, diễn ra trong 2 - 3 ngày, đề thi do Bộ GD-ĐT chủ trì; các tỉnh có thể dựa vào phạm vi nội dung do Bộ GD-ĐT quy định để tổ chức ra đề thi riêng.

Trung Quốc tổ chức thi 3 môn thi bắt buộc, gồm: toán, Trung văn (ngôn ngữ và văn học như môn ngữ văn của Việt Nam), Anh văn và một môn lựa chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Hình thức thi: trắc nghiệm kết hợp tự luận; kết quả thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được các trường đại học, cao đẳng xem xét khi tuyển sinh.

Còn tại Hàn Quốc, học sinh không phải trải qua một kỳ thi quốc gia để tốt nghiệp THPT như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các trường THPT cấp chứng chỉ xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình học THPT và được công nhận tốt nghiệp THPT.

Nhật Bản cũng không tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia. Việc công nhận tốt nghiệp THPT đều do trường THPT chịu trách nhiệm.

Nga không thi trắc nghiệm, Pháp vừa thi vừa xét

Tổng hợp trên cũng nêu cách thức tổ chức thi của một số nước điển hình ở châu Âu như Nga, Pháp.

Ở nước Nga, kỳ thi quốc gia thống nhất là hình thức cơ bản đánh giá học sinh tốt nghiệp lớp 11 (tốt nghiệp THPT, do hệ giáo dục phổ thông của Nga chỉ có 11 năm) dành cho các trường trên lãnh thổ Liên bang Nga.

Kỳ thi được tổ chức với 2 môn bắt buộc là tiếng Nga và toán. Các môn khác do học sinh tự chọn trong số các môn lịch sử, khoa học xã hội, văn học, vật lý, khoa học máy tính - công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hóa học, sinh học, địa lý, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.

Bài thi môn tiếng Nga và toán không có bài tập dạng trắc nghiệm. Bài thi môn ngoại ngữ thì có phần yêu cầu người thi phải nghe đoạn ghi âm bằng ngoại ngữ và trả lời theo nội dung của bài nghe.

Tại Pháp, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc (kỳ thi tú tài). Kỳ thi tú tài được bắt đầu ngay từ cuối năm lớp 11 và kết thúc vào cuối năm lớp 12, tuy nhiên hình thức thi có nhiều thay đổi.

Tính từ tháng 6.2021, kỳ thi tú tài được thực hiện với các bài thi bắt buộc, gồm: ngữ văn, triết học, 2 môn học sở trường đã được học sinh chọn và bài thi thuyết trình trong khoảng thời gian 20 phút (học sinh sẽ thuyết trình về một đề tài đã chọn và chuẩn bị từ năm lớp 11 cho đến hết năm lớp 12), được thi vào cuối mùa xuân của năm lớp 12.

Cách xét tốt nghiệp tại Pháp như sau: các đánh giá thường xuyên chiếm 40% tổng số điểm tốt nghiệp, trong đó 10% được tính từ điểm tổng kết 2 năm học lớp 11, lớp 12 và 30% đến từ điểm của 2 bài kiểm tra chung (một bài ở lớp 11 và một bài ở lớp 12). Các đề kiểm tra chung được mỗi trường lựa chọn dựa trên bộ đề chung của bộ GD-ĐT. Các bài thi cuối cấp chiếm 60% tổng số điểm tốt nghiệp.

Mỹ bỏ dần thi tốt nghiệp

Cục Quản lý chất lượng dẫn thông tin từ tờ Washington Post (2017) cho biết số tiểu bang của Mỹ bỏ thi tốt nghiệp THPT đang dần gia tăng. Năm 2015, còn 21/50 bang duy trì chính sách thi tốt nghiệp THPT; trong đó, có Florida, Texas, California và New York. Tuy nhiên, 2 năm sau (2017), chỉ còn 13 bang; đến năm 2018, chỉ còn 12 bang.

Bài thi sử dụng cũng rất khác nhau. Phần lớn 12 bang này tổ chức, thiết kế bài thi chuẩn hóa toàn bang riêng, nhưng cũng có bang như Mississippi, New Jersey cho phép học sinh thi bài thi do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp tổ chức để thay thế như bài thi ACT, SAT.

Ở một số bang này, học sinh có nhiều lựa chọn để lấy bằng tốt nghiệp, trong đó có cả hình thức nộp hồ sơ chứng minh học lực.

Nếu muốn vào đại học và cao đẳng, các trường chỉ xét tuyển điểm của 6 môn lớp 12 (điểm số của các lớp trước đều không tính) và một số điều kiện khác.

Xu hướng thi gọn nhẹ

Từ việc tổng hợp cách thức tổ chức tốt nghiệp THPT của các nước trên, Cục Quản lý chất lượng cho rằng: rõ ràng không có câu trả lời đơn nhất đúng, sai cho những hình thức thi THPT, mà là mỗi cách đều cần phải phục vụ (một cách hiệu quả) mục đích của hệ thống giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên, có một điểm chung ở các nước vừa nêu, đó là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ; bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề và đánh giá được quá trình dạy, học và những mục đích khác.

Thời điểm này, dù đã sắp hết tháng 10 nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ứng với đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Trước đó, đầu tháng 10.2023, theo kết quả tổng hợp ý kiến góp ý về số môn thi cho phương án thi này của Bộ GD-ĐT, gần 60% ý kiến giáo viên ở một số địa phương tham gia khảo sát (TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang) đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán, cộng thêm 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học lớp 12 (gồm cả ngoại ngữ và lịch sử).

Theo Bộ GD-ĐT, số môn thi như trên có tới 3 ưu điểm: giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí tiền bạc, thời gian cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn so với hiện nay thi 6 môn); không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, giúp học sinh dành thời gian học các môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp; thí sinh được chọn 2 môn lựa chọn để phát huy năng lực sở trường, có kết quả thi thuận lợi để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

 

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây