Loạn trường quốc tế - Nhập nhằng thật giả

Thứ năm - 05/09/2019 07:22:15

Theo GS. Trương Nguyện Thành, đã là trường quốc tế thì vấn đề kiểm định chất lượng phải do một tổ chức quốc tế đánh giá mới khách quan, đúng chuẩn.

 
loan truong quoc te nhap nhang that gia 1
 

Chưa bao giờ danh xưng “quốc tế” từ mẫu giáo đến đại học lại được chuộng như hiện nay, đó có phải là điều đáng suy nghĩ, thưa ông?

Vấn đề sử dụng từ quốc tế, dán nhãn quốc tế một phần đến từ nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi mỹ từ ấy thường cho phụ huynh cảm giác môi trường quốc tế tốt hơn, chương trình đào tạo có chất lượng cao hơn.

Nhưng việc dán nhãn quốc tế rồi lại vội vã hạ xuống sau sự cố học sinh bị bỏ quên trên xe vừa qua khiến tôi rất băn khoăn. Tôi nghĩ, giáo dục mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn quốc tế hay không phải có một đơn vị, tổ chức kiểm định nghiêm túc. Đã là trường quốc tế thì vấn đề kiểm định chất lượng phải do một tổ chức quốc tế đánh giá; nếu chỉ là một tổ chức trong nước kiểm định theo tôi chưa khách quan, chưa đúng chuẩn lắm.

Hiện tượng gắn mác trường quốc tế theo ông đến từ nguyên nhân nào? Có phải từ nhu cầu “sính ngoại” ?

Tôi không nghĩ tại phụ huynh sính ngoại nhưng nhu cầu đòi hỏi chất lượng giáo dục tốt hơn những hệ thống trường công là có thật. Nếu đứng nhìn ở khía cạnh thương trường, đây là một nhu cầu xã hội. Kinh tế gia đình càng ngày càng tốt hơn dẫn đến nhu cầu đòi hỏi chất lượng giáo dục cao hơn cho con em. Trong khi đó, không ít phụ huynh cho rằng, hệ thống giáo dục trường công không đáp ứng được nhu cầu của họ. Lúc bấy giờ, từ nhu cầu thị trường lên cao, doanh nghiệp sẽ đáp ứng và không ít trường quốc tế “mọc” ra từ đó.
 

Vậy để đạt được trình độ quốc tế, theo ông cần những tiêu chí nào?

Tôi không rõ ở những trường tiểu học và mầm non đã có tổ chức nào đánh giá đạt chuẩn quốc tế hay chưa? Liệu rằng chương trình đó có đạt trình độ quốc tế hay không theo tôi cần có 3 tiêu chí để đánh giá: chương trình đào tạo, môi trường đào tạo và giáo viên.

Sự mơ hồ trong khái niệm trường quốc tế khiến nhiều người ví là “nhập nhằng đánh lận con đen” đánh lừa phụ huynh?

Từ nhu cầu thị trường, hẳn nhiên sản phẩm đưa ra cũng đủ loại, tốt có, trung bình có và xấu cũng có. Ví dụ, những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới ở Mỹ là trường đại học tư và bê bết nhất cũng là đại học tư.

Ở Việt Nam, với những trường mang danh quốc tế chắc chắn cũng có những trường chuẩn quốc tế, tốt thực sự. Bên cạnh đó, cũng có trường dán nhãn “đánh lận con đen” chứ không thực chất. Do vậy, phụ huynh nên cẩn trọng hơn trong việc chọn lọc trường cho con em mình thay vì nghe “bạn tôi nói trường đó tốt” hoặc chạy theo những tiện nghi khác.

Giáo dục là loại hình kinh doanh, phải chăng cần một cơ chế kiểm định, định danh lại trường quốc tế?

Điều đầu tiên, những đơn vị đào tạo cần có trách nhiệm với xã hội vì làm giáo dục là liên quan đến con người. Còn vấn đề nên chăng Chính phủ có chuẩn mực rõ ràng để định danh lại từ quốc tế chỉ là một giải pháp tạm thời. Bởi, đưa ra nhiều nguyên tắc sẽ tạo cơ chế ràng buộc sự phát triển khác, sẽ nảy sinh những tiêu cực khác, vừa lợi vừa không lợi. Theo tôi, nếu vi phạm đạo đức xã hội, những tổ chức đó phải bị xử phạt một cách nghiêm minh thay vì đưa ra thước đo, quy chế, chuẩn mực quốc tế.

Không ít người chi tiền tỷ cho con học trường quốc tế nhưng ngã ngửa vì “tiền mất tật mang”. Theo ông, đây có phải là khoảng trống trong quản lý giáo dục?

Không hẳn nhiên cái lỗi nằm ở góc độ quản lý giáo dục. Những tổ chức giáo dục dán mác hoặc lừa gạt phụ huynh là đã vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội chứ không nên quy hết trách nhiệm đó cho quản lý giáo dục. Ở Mỹ, nếu trường nào đó vi phạm, lừa gạt phụ huynh trong việc đào tạo, phụ huynh có thể tố trường đó theo đúng luật pháp.

Với những người sáng lập và đầu tư cho trường gắn mác quốc tế nếu không bắt nguồn từ mục đích giáo dục mà làm kinh tế bằng kinh doanh giáo dục sẽ để lại hệ lụy gì, thưa ông?

Tất nhiên, hệ lụy là con người. Họ đào tạo con người đó không như mong muốn, không đúng chuẩn rất có thể làm hỏng con người đó, ảnh hưởng cuộc đời con người đó và cả con cái của họ về sau. Giáo dục gắn với đạo đức xã hội là vì thế.

Để đẩy mạnh và phát triển hợp tác trong giáo dục thì chúng ta cần làm những gì, theo ông?

Vấn đề trước tiên là tất cả các trường quốc tế cần minh bạch, môi trường đào tạo minh bạch, chất lượng giảng dạy minh bạch, chất lượng giảng viên minh bạch. Minh bạch thông tin giúp cho phụ huynh có nhiều cơ sở để đánh giá hơn.

Chuẩn bị khai giảng năm học mới, từ trải nghiệm của cá nhân ông sống và làm việc lâu năm ở Mỹ, ông có lời khuyên nào cho phụ huynh trong việc giáo dục con cái?

Thực tế, trong nền kinh tế thị trường thì sản phẩm đủ loại, vàng thật - vàng giả lẫn lộn nên phụ huynh cần cẩn trọng hơn. Thường những phụ huynh có khả năng cho con học quốc tế luôn nghĩ ở đó có môi trường đào tạo tốt hơn, đỡ áp lực hơn, họ tin tưởng hơn.

Tuy nhiên, thời gian sống ở Việt Nam, tôi quan sát thấy phụ huynh giao trọng trách cho giáo viên quá nhiều mà quên rằng dạy con phần lớn là ở cha mẹ. Dù là trường công hay trường tư, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ trong việc giáo dục con có tư duy và nhân cách tốt là vô cùng quan trọng.

Hai con tôi lớn lên ở Mỹ, do môi trường giáo dục đặt trọng tâm ở tính tự lập nên tôi dạy các con phát triển tư duy độc lập và kỹ năng từ rất sớm. Tôi tập cho hai con mục tiêu nếu như ngày mai không có mặt tôi thì các con ở thời điểm nào cũng đều có thể phát triển tốt nhất. Đó là triết lý dạy con của tôi.

Xin cảm ơn ông!


Theo Nguyệt Anh
Báo Quốc tế

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây