Virus Langya gây viêm phổi: Không lây từ người sang người

Thứ sáu - 30/06/2023 07:12:35


Sốt là triệu chứng phổ biến nhất ở những người bị nhiễm virus LayV. (tên đầy đủ là Langya henipavirus).

Virus Langya


Tình trạng này hầu như xảy ra ở tất cả bệnh nhân. Đi kèm đó là các triệu chứng khác như ho, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, nhức đầu…

Triệu chứng bệnh phổ biến

Vừa qua, tờ Medical Daily đưa tin, các nhà khoa học có thể đã tìm thấy một loại virus nguy hiểm có điểm tương đồng với SARS-CoV-2, mầm bệnh gây ra đại dịch Covid-19. Theo bài báo được đăng trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học phát hiện, Langya - một loại virus ít được biết đến, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có những điểm giống với Covid-19.

Chia sẻ về Langya, PGS.TS Trần Quang Bính - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Virus LayV là một loại virus mới xuất hiện, có nguồn gốc từ động vật và có khả năng lây nhiễm sang người”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, nhiều người dân đang bày tỏ lo ngại về mức độ nguy hiểm của virus Langya. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mọi người không nên quá lo lắng. Bởi, virus này không lây từ người sang người.

Mặc dù nguồn gốc Langya chưa được xác minh cụ thể, nhưng RNA của virus này được tìm thấy chủ yếu ở chuột chù. Do đó, đây là loài vật được cho là vật chủ tự nhiên của virus LayV. Điều này cho thấy có khả năng lây nhiễm virus cao từ động vật sang người.

Không chỉ ở chuột chù mà việc nhiễm virus LayV còn có thể xuất hiện ở những động vật khác với tỷ lệ 2% ở dê nuôi và 5% ở chó. Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus LayV có thể lây nhiễm từ người sang người.

Theo PGS Bính, sốt là triệu chứng phổ biến nhất ở những người bị nhiễm virus LayV. Tình trạng này hầu như xảy ra ở tất cả bệnh nhân. Đi kèm đó là các triệu chứng khác như ho, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, nhức đầu… Những dấu hiệu này gần giống cúm/ cảm lạnh thông thường nên có thể dễ khiến nhiều người bỏ qua.

Các triệu chứng này có thể trở nặng, gây lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật, viêm não và hôn mê. Trong đó, tình trạng viêm não có nguy cơ khởi phát muộn trong vòng nhiều tháng cho tới vài năm sau khi nhiễm bệnh.

“Tuy nhiên, với tình trạng số người nhiễm còn ít, không thể là đại diện cho toàn bộ dân số nên chưa thể đánh giá chính xác hoàn toàn. Nếu virus LayV gây ra đợt bùng phát bệnh lớn hơn, ảnh hưởng đến hàng trăm/ hàng nghìn người thì chúng ta có thể gặp phải những trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng hơn – nhất là ở những người có sẵn các bệnh nền”, chuyên gia chia sẻ.

Chưa có vắc-xin phòng bệnh

PGS Bính dẫn chứng, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ lâu đã cảnh báo khủng hoảng khí hậu và sự tàn phá thiên nhiên sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus từ động vật sang người.

Các nhà nghiên cứu cho biết, LayV là một loại Henipavirus mới. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Henipavirus là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Trong chi Henipavirus này, cả virus Hendra (HeV) và Nipah (NiV) đều có vật chủ tự nhiên là dơi ăn quả. Cả 2 đều được phân loại là virus an toàn cấp độ 4 với tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng từ 40 - 75%.

“Mặc dù chưa ghi nhận tình trạng tử vong do nhiễm virus LayV, nhưng chúng ta không nên xem nhẹ loại virus này. Các nhà nghiên cứu cho biết, LayV có quan hệ họ hàng mật thiết với Mojiang henipavirus - một loại virus lây truyền qua chuột lần đầu tiên được xác định tại miền Nam Trung Quốc vào năm 2012. Virus Mojiang henipavirus được cho là nguyên nhân khiến 3 thợ mỏ bị viêm phổi nặng và tử vong sau đó”, PGS Bính cho biết.

Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm virus LayV, người bệnh cần được cách ly và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Việc chẩn đoán có thể thực hiện bằng xét nghiệm phát hiện trực tiếp virus qua mẫu bệnh phẩm như dịch mũi họng hoặc xét nghiệm kháng thể với bệnh phẩm là máu.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị dành cho người bị LayV gây bệnh nói riêng và Henipavirus nói chung. Điều duy nhất có thể làm là nỗ lực hỗ trợ chăm sóc, nhằm kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.

Theo PGS Bính, hiện nay chưa có vắc-xin phòng virus LayV. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm tìm ra cách ngăn ngừa chủng virus này bùng phát thành đại dịch. Hiện tại, việc ngăn ngừa nhiễm virus LayV chủ yếu dựa vào cách bảo vệ và tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Cụ thể, người dân được khuyến cáo giữ vệ sinh tay, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi đi từ ngoài về nhà. Đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở y tế… Không nên đưa tay trực tiếp lên mặt khu vực mắt, mũi, miệng, che miệng khi ho, hắt hơi.

Ngoài ra, cần vệ sinh không gian sống, thường xuyên lau chùi các bề mặt như bàn ghế, tay nắm cửa… Có ý thức tự cách ly và liên hệ cho cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…

Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh nhiễm virus LayV. Nếu phải chăm sóc người bệnh, cần trang bị đầy đủ các vật dụng bảo hộ y tế. Thông báo cho nhân viên y tế khi đi khám nếu từ vùng dịch về.

 

Theo Vân Huyền
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây