Với 7 đại diện vào bảng xếp hạng các nhóm ngành đào tạo ĐH tốt nhất thế giới, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là đơn vị duy nhất có một ngành ở nhóm 51-100, đồng hạng với nhiều cái tên lớn ở phương Tây và Ấn Độ.
Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) tại Anh ngày 10.4 công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới theo lĩnh vực năm 2024. Việt Nam có 7 đại diện góp mặt, đều là những cái tên quen thuộc ở các bảng xếp hạng như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Cần Thơ. Song, thứ hạng có những thay đổi đáng kể.
Về xếp hạng lĩnh vực, Trường ĐH Duy Tân tại Đà Nẵng được xướng tên ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (đứng thứ 341, giảm 15 bậc), khoa học xã hội và quản lý (vị trí 451-500, tương tự năm trước) trong tổng số 5 lĩnh vực được xếp hạng. Đây cũng là đại diện Việt Nam duy nhất được xếp hạng theo lĩnh vực trong năm nay, giảm 2 đơn vị và 1 lĩnh vực so với năm 2023.
Cách đây một năm, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng ĐH Quốc gia TP.HCM đồng xếp hạng 401-450 ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, nhưng năm nay không có mặt. Trong khi đó, vẫn chưa có đại diện nào từ Việt Nam lọt vào top thế giới ở 2 lĩnh vực là khoa học đời sống và y dược, nghệ thuật và nhân văn.
Về xếp hạng ngành, kỹ thuật dầu khí của ĐH Quốc gia TP.HCM vượt qua hơn 1.500 cơ sở giáo dục để đứng thứ 51-100 thế giới, duy trì thứ hạng từ năm 2022. Xếp hạng này được đánh giá dựa trên các yếu tố là danh tiếng học thuật, danh tiếng với nhà tuyển dụng, tỷ lệ trích dẫn bài báo khoa học, chỉ số H-index. Đây cũng là vị trí cao nhất mà một ngành đào tạo của ĐH Việt Nam đạt được trong bảng xếp hạng QS những năm qua.
Được biết, ngành kỹ thuật dầu khí do Trường ĐH Bách khoa, thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, đào tạo. Ngành này có điểm chuẩn là 58,02 vào năm 2023 theo phương thức xét tuyển tổng hợp.
Đồng hạng với ĐH Quốc gia TP.HCM ở ngành kỹ thuật dầu khí là nhiều cái tên nổi bật như ĐH Liverpool (Anh), ĐH Case Western Reserve (Mỹ), ĐH Macquarie (Úc), Học viện Công nghệ Ấn Độ Guwahati (Ấn Độ), ĐH Quốc lập Trung Sơn (Trung Quốc), ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan)... Trong khi đó, ngành kỹ thuật dầu khí của ĐH Quốc gia Hà Nội nằm ở nhóm 101-150 (lần đầu được xếp hạng).
Một số ngành cũng đạt thứ hạng cao là kiến trúc/môi trường xây dựng của Trường ĐH Duy Tân, ở nhóm 151-200 (lần đầu được xếp hạng). Ngành toán học thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 201-250, tăng 50 bậc. Còn các ngành khác đều nằm ngoài top 300, trong đó có những ngành lần đầu được xếp hạng là nông - lâm nghiệp, vật lý và thiên văn, kinh doanh và quản lý, kinh tế và kinh tế lượng của ĐH Quốc gia TP.HCM, kinh tế và kinh tế lượng của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo QS, đây là năm thứ 14 công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới theo lĩnh vực, với 1.559 trường được xếp hạng, trong số đó có 64 cái tên mới. Sau khi xếp hạng các trường dựa trên 5 nhóm ngành rộng, QS tiếp tục xếp hạng dựa trên 55 ngành hẹp hơn, với âm nhạc là một lĩnh vực mới được đưa vào đánh giá từ năm nay.
Cũng theo QS, dựa trên tính đặc thù, mỗi ngành sẽ có một cách tiếp cận khác nhau nhằm xác định các tiêu chí và trọng số tương ứng. Trong số đó có những tiêu chí nổi bật là danh tiếng học thuật, danh tiếng với nhà tuyển dụng và chỉ số về mạng lưới nghiên cứu quốc tế (IRN Index) do chính tổ chức này công bố.
QS là một trong 3 tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của Times Higher Education (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). QS bắt đầu xếp hạng ĐH từ năm 2004, một năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.
Theo Ngọc Long
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC