Làm sao để đạt kết quả tốt khi thi và xét tuyển ĐGNL?

Thứ tư - 22/03/2023 06:31:28


Thi đánh giá năng lực là kỳ thi riêng, không phải toàn bộ các trường ĐH sử dụng để xét tuyển và nếu sử dụng thì chỉ tiêu cũng như cách tính điểm trúng tuyển cũng khác nhau.

Làm sao để đạt kết quả


Chính vì thế, trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những thông tin mới về thi và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 21.3, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên bổ ích đối với thí sinh chuẩn bị thi và xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực.

Cần tìm hiểu kỹ thông tin từ các trường

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhận định: "Mỗi trường tổ chức thi đánh giá năng lực có dạng câu hỏi và cách tính điểm khác nhau. Chẳng hạn, bài thi của ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá về năng lực ngôn ngữ, tư duy, cách phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề với điểm tối đa là 1.200. Trong khi bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần tư duy định lượng, tư duy định tính và khoa học với điểm tối đa là 150 điểm".

Về điểm ưu tiên trong phương thức xét tuyển này, tiến sĩ Hải lưu ý thí sinh cần tìm hiểu cụ thể ở trường mà mình định nộp hồ sơ. "Do thang điểm đánh giá năng lực là khác nhau nên điểm ưu tiên sẽ không giống với thang điểm 30 ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Chính vì thế, thí sinh cần xem các trường quy đổi như thế nào. Trước khi nộp hồ sơ, thí sinh cũng nên lên trang web của các trường để xem mức điểm xét tuyển của từng ngành học. Đây là điểm tối thiểu nhận hồ sơ, không phải điểm trúng tuyển", tiến sĩ Hải cho hay.

Như vậy, có 4 điểm mà tiến sĩ Hải lưu ý thí sinh khi dùng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực. Đó là trường nào xét tuyển, xét như thế nào, cách tính điểm ưu tiên ra sao và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành cụ thể.

Chuẩn bị sức khỏe tốt để "đương đầu" với nhiều kỳ thi

Về kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vào 26.3 tới với sự tham gia của gần 90.000 thí sinh, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng thí sinh nên có tâm thế thoải mái, đừng quá áp lực.

"Trước kỳ thi một vài ngày, các em cần có chế độ ăn uống thật tốt. Đừng lo lắng hồi hộp. Nếu khi đi thi mà căng thẳng, hãy hít thở sâu, tĩnh tâm tĩnh trí. Điều quan trọng là trước đó các em phải chuẩn bị được lượng kiến thức tốt để sẵn sàng làm bài", tiến sĩ Phương nhắn nhủ.

Trong khi đó, thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay điều quan trọng nhất với thí sinh là phải bình tĩnh, tự tin. "Kiến thức các em phải thi rất rộng, bao gồm năng lực ngôn ngữ, tư duy logic, khả năng tính toán, phân tích số liệu, giải quyết vấn đề. Vì thế, các em không nên học tủ. Hãy tham khảo các đề thi mẫu tại trang web của ĐH Quốc gia TP.HCM", thầy Huy chia sẻ.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý, do trong vòng 3 tháng tới, thí sinh cần vượt qua rất nhiều kỳ thi quan trọng, bao gồm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên điều đầu tiên là cần phải có sức khỏe thật tốt. "Nếu những ngày này ôn thi nhiều, học khuya và căng thẳng rất có thể đến lúc đi thi các em sẽ bị mệt, bị ốm, lúc đó sẽ không thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. không thể làm bài. Do đó, việc ăn uống, ngủ nghỉ và luyện tập thể dục thể thao rất quan trọng", tiến sĩ Hải nói.

Còn thạc sĩ Ngô Thị Xuân, Phó phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thì lưu ý thí sinh dù làm được bài hay không, dù điểm cao hay thấp trong các kỳ thi đánh giá năng lực, thì cũng không nên buồn mà hãy xem đây là trải nghiệm quan trọng giúp cho mình có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6.

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây