'Khát' nhân lực ngành hàng không

Thứ hai - 05/02/2024 08:47:07


Ngành hàng không đang cần số nhân lực lớn để đáp ứng tốc độ phục hồi, tăng trưởng của thị trường du lịch, thương mại sau ảnh hưởng từ Covid-19.

Tuy vậy, việc tuyển dụng nhân lực cũng rất khó khăn vì sau dịch nhiều tiếp viên trên không và mặt đất đã chuyển nghề.

khát nhân lục


Nhu cầu lớn về nhân lực

Tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không Việt Nam thời kỳ 2023 - 2030, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành hàng không hiện có khoảng 44.000 nhân lực, chia thành 3 lĩnh vực chính gồm: Khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này đang thiếu so với nhu cầu.

Nhu cầu nhân lực sẽ ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2023 - 2030, vì Việt Nam cần một lượng lớn cung cấp cho sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác, cũng như nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Tại Vietnam Airlines, mỗi năm hãng cần tuyển bổ sung 100 kỹ sư cho công ty bảo dưỡng máy bay. Khi cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành đi vào hoạt động, số kỹ sư cần tuyển có thể gấp đôi hay gấp ba. Nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng nguồn nhân lực thực tế khó đáp ứng.

Bên cạnh việc mở rộng sân bay, lượng hành khách cũng dần phục hồi. Nửa đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận lượng khách tăng gần 30%. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 14,4 triệu, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Các hãng hàng không trong và ngoài nước đã thực hiện gần 365.000 chuyến bay, tăng 18%, trong đó hơn 99.200 chuyến bay quốc tế, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề là với sản lượng khách hiện tại, nhân lực đáp ứng đã rất thiếu. Theo chuyên gia Trần Hà Phương, Việt Nam sắp tới càng thiếu nhân lực ở các lĩnh vực như giám sát sân bay, quản trị không lưu, kỹ sư máy bay, bảo dưỡng máy bay và nhất là phi công chuyên nghiệp.

Ông Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu nhân lực hàng không là rất lớn. Dự báo số lượng nhân lực cần có sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025, trong đó, khối hành chính sự nghiệp tăng 2 - 3%/năm, khối các doanh nghiệp hàng không tăng 4 - 5%/năm, khối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không khác tăng 4 - 5%/năm.

Trước nhu cầu đó, ông An cho biết, học viện cũng đang mở rộng quy mô đào tạo. Hiện nay, học viện đang đào tạo 2 ngành cao học, 11 ngành đại học, 4 ngành cao đẳng. Số lượng tuyển sinh hàng năm tăng dần từ 2.500 (năm học 2022 - 2023) đến 3.500 (năm học 2025 - 2026).

Như vậy, từ năm học 2025, hàng năm học viện đào tạo và cung cấp cho ngành hàng không từ 3.000 - 4.000 lao động trình độ từ cao đẳng đến sau đại học. Ngoài ra, hàng năm, học viện còn đào tạo và cung cấp hàng nghìn nhân viên hàng không trình độ trung và sơ cấp về an ninh hàng không, quản lý không lưu.

Nhiều lựa chọn ngành hàng không

Tại các phiên giao dịch việc làm đầu năm 2024 cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm người lao động cho các ngành nghề sản xuất của đơn vị với số lượng lớn, ở các lĩnh vực dịch vụ vận tải, dịch vụ ăn uống, sản xuất, chế tạo, kinh doanh, bán lẻ, vận tải, bưu chính...

Do doanh nghiệp có yêu cầu công việc khác nhau nên tùy từng vị trí lại có mức lương không giống nhau, từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, 7 - 10 triệu đồng/tháng, 10 - 15 triệu đồng/tháng và mức trên 15 triệu đồng/tháng. Để thu hút người lao động, các doanh nghiệp còn có những chế độ ăn trưa, thưởng vượt định mức...

Đáng chú ý, thời gian này các doanh nghiệp trong ngành hàng không liên tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực cho đa dạng các vị trí. Đơn cử, Công ty Cổ phần đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam tuyển sinh, đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nhân lực ngành hàng không cần tuyển 310 học viên cho 16 vị trí.

Học viên sau khi tốt nghiệp đạt yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, vị trí phi công có mức lương từ 120 - 350 triệu đồng/tháng; kỹ sư kỹ thuật dụng cụ thiết bị, nhân viên bảo dưỡng dụng cụ thiết bị, kỹ sư, thợ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay có mức lương từ 14 - 40 triệu đồng/tháng. Các vị trí công việc khác có mức lương từ 10 - 25 triệu đồng/tháng.

Công ty Cổ phần học viện nhân lực Skyteam chuyên cung ứng nhân lực ngành hàng không cần tuyển sinh 160 học viên vào đào tạo ở các vị trí. Sau khi tốt nghiệp, học viên được giới thiệu làm việc ở vị trí tiếp viên hàng không có mức lương từ 20 - 60 triệu đồng/tháng, phi công lái máy bay 180 - 300 triệu đồng.

Các vị trí tiếp viên, nhân viên mặt đất, lái xe vận hành trang thiết bị mặt đất, nhân viên chất xếp hành lý/hàng hóa tại sân bay, an ninh hàng không, kỹ thuật hàng không có mức lương từ 8 - 50 triệu đồng/tháng, tùy theo từng công việc. Công ty Cổ phần nhà ga hàng hóa ALS hoạt động dịch vụ vận tải hàng không tuyển 20 nhân viên khai thác với mức lương từ 8 triệu đồng/trở lên.

Theo bà Trương Thị Phương, Trưởng phòng Tuyển sinh Trung tâm Huấn luyện bay của Công ty Cổ phần học viện hàng không Việt Nam, từ nay đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 30 sân bay. Riêng sân bay Long Thành cần tới 16.000 người lao động cho nên ngay từ bây giờ cần tuyển nhiều học viên vào đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp hàng không.

 

Theo Bảo Hân
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây