Học đại học cần chuẩn bị những gì?

Chủ nhật - 05/03/2023 09:57:19


Tự tin sẽ đậu đại học, nhiều học sinh lớp 12 H.Tuy Phước (Bình Định) đặc biệt quan tâm tới hành trang bước vào giảng đường đại học cần các yếu tố nào và xa hơn nữa là sau khi tốt nghiệp, sinh viên cần chuẩn bị những gì khi tham gia vào thị trường lao động.

Đây là một phần nội dung trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định tổ chức tại Trường THPT số 3 Tuy Phước (H.Tuy Phước, Bình Định) hôm qua 4.3, được truyền hình trực tuyến tại thanhnien.vn, trang fanpage Facebook, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên.

Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 1.500 học sinh lớp 12 các trường THPT số 1, 2, 3 Tuy Phước, THPT Nguyễn Diêu và THPT Xuân Diệu.

Học đại học cần


Nên tận dụng nhiều phương thức xét tuyển

Chương trình tư vấn diễn ra ngay sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2023, nên học sinh rất quan tâm tới những điểm mới so với năm 2022. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng vừa từ hội nghị trở về, thông tin: "Năm 2023 có một số điểm khác so với năm 2022, đó là thời gian thi tốt nghiệp THPT diễn ra sớm hơn 10 ngày so với 2022. Về mặt tổ chức, sau khi thí sinh làm xong bài mà chưa hết thời gian làm bài thì không được ra ngoài mà phải ở khu vực chờ, cho đến khi kết thúc môn thi. Ngoài ra, mặc dù Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì quy chế tuyển sinh năm 2022, nhưng Bộ yêu cầu dựa trên quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ ban hành, các trường phải ban hành quy chế tuyển sinh riêng cho các trường. Chính vì thế, các em phải theo dõi rất kỹ trang thông tin tuyển sinh của các trường ĐH mà các em dự kiến đăng ký".

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Viên, một điểm mới năm nay mà thí sinh cần lưu ý là điểm ưu tiên. Điểm ưu tiên giảm dần tính từ 22,5 điểm trở lên. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần, được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên đã được quy định. Theo đó, mức điểm ưu tiên quy định áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5, khu vực 2 là 0,25; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng từ hội nghị ở Hà Nội về thẳng Bình Định tham gia chương trình, lưu ý thêm về việc lựa chọn phương thức xét tuyển: "Các em nên tận dụng các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội đậu ĐH. Hiện các trường sử dụng khoảng 20 phương thức, nhưng có 4 phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ưu tiên xét tuyển thẳng. Các em chỉ có một kết quả trúng tuyển. Do đó, việc đặt thứ tự ưu tiên là hết sức quan trọng".

Hành trang học ĐH và tham gia thị trường lao động

Huỳnh Đức Huy, học sinh lớp 12A1 Trường THPT số 3 Tuy Phước, hỏi thí sinh cần chuẩn bị những gì để bước vào môi trường ĐH. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng việc học tập ở môi trường ĐH hoàn toàn khác phổ thông, đòi hỏi sự chủ động rất cao.

"Đây là giai đoạn các em khám phá bản thân và môi trường mới. Sự chủ động, tự lập là vô cùng quan trọng. Chủ động trong học tập, sinh hoạt, văn hóa, thích nghi với việc sống một mình không có ba mẹ, thầy cô nhắc nhở. Ngoài ra, các em phải biết tự chịu trách nhiệm về bản thân và các mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội. Các em cũng cần biết quản lý thời gian vì cuộc sống ở đô thị khác với ở nhà, quản lý bản thân để không bị sa đà vào các cám dỗ của môi trường mới lạ. Tuy nhiên, các em sẽ được hỗ trợ từ phòng công tác sinh viên, Đoàn - Hội, đội nhóm. Quan trọng nhất là các em phải tích cực tìm hiểu, chủ động tham gia, kết nối với các anh chị sinh viên khóa trước để học hỏi kinh nghiệm", tiến sĩ Đạo chia sẻ.

"Lo xa" hơn, học sinh Lê Tấn Trúc, Trường THPT Xuân Diệu, thắc mắc: "Sinh viên học năm 4 thì có được giới thiệu việc làm hay không? Khi sắp tốt nghiệp thì sinh viên cần chuẩn bị gì để bước ra thị trường lao động?". Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay trường ĐH nào cũng có bộ phận hỗ trợ trong công tác giới thiệu việc làm trong quá trình sinh viên học tập và sau khi tốt nghiệp.

"Các trường vẫn tổ chức các ngày hội thực tập, kiến tập, ngày hội việc làm từ năm 2, năm 3 với hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Sinh viên có thể gửi hồ sơ ứng tuyển và phỏng vấn tuyển dụng tại chỗ. Về hành trang trước khi ra trường, các em cần chuẩn bị 3 yếu tố. Thứ nhất là kiến thức, được thể hiện qua những môn học đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động thực hành thực tập trải nghiệm. Thứ hai, chuẩn bị kỹ năng như công nghệ thông tin, ngoại ngữ, thuyết trình, làm việc nhóm, giao tiếp... Cuối cùng, các em phải chuẩn bị một thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp, tương lai, công việc. Nếu có 3 điều này thì doanh nghiệp sẽ tìm đến các em chứ không cần phải đi xin việc".

Võ Chiều Trâm, học sinh lớp 12A5 Trường THPT số 3 Tuy Phước, lại muốn biết làm thế nào để được ở lại trường ĐH làm việc sau khi tốt nghiệp. Tiến sĩ Văn Hữu Quang Nhật, Giám đốc tuyển sinh khu vực Trường ĐH Thái Bình Dương, cho rằng trong khi sinh viên đang học, nếu có nhu cầu, trường ĐH cũng sẽ tạo điều kiện để làm việc hoặc làm cộng tác viên tại trường. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ thêm: "Nếu các em có học lực giỏi trở lên, có mong muốn được ở lại trường làm giảng viên, sẽ được tạo điều kiện để học lên thạc sĩ, tiến sĩ để trở thành giảng viên".

Sau Tư vấn mùa thi ở Bình Định, lúc 8 giờ 30 sáng nay (5.3), chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa).

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây