Theo thầy cô giáo tại Hải Phòng: Ngoại ngữ sẽ được dạy học thực chất, học theo nhu cầu, tránh việc “ học gạo ” để thi.
Giảm áp lực
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc. Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, thông tin này dẫn đến nhiều băn khoăn trong dư luận xã hội về việc nhiều học sinh sẽ mất động lực, bớt “mặn mà” với môn học này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng và giáo viên chuyên môn thì đây là xu hướng tốt khi dạy học ngoại ngữ sẽ theo nhu cầu, thực chất, tránh việc đối phó.
Trước phương án 2+2, chỉ còn 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ), theo em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 11B8, Trường THPT Hải An (quận Hải An, TP Hải Phòng) ban đầu nghe thông tin này em và các bạn cũng lo lắng. Nhưng khi được thầy cô phân tích, em cũng rõ được mục tiêu và phương án thi mới của Bộ. Và điều này không ảnh hưởng đến việc học Ngoại ngữ của em.
Phương Anh cho biết, học tốt tiếng Anh là cánh cửa giúp học sinh mở ra cơ hội tiếp cận với các quốc gia khác trên thế giới, đồng thời có thể tìm kiếm được nhiều công việc với doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, em xác định phải học ngoại ngữ là nhu cầu. Thời gian này em tập trung củng cố từ vựng, ôn cấu trúc câu thật tốt. Đồng thời rèn cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thật tốt.
Em Vũ Khắc Thái Sơn, học sinh lớp 11B2, Trường THPT Kiến An chia sẻ, việc giảm số môn thi bắt buộc và Ngoại ngữ trở thành môn lựa chọn là giảm nhẹ gánh nặng cho học sinh. Với học sinh học các môn KHTN thì học Ngoại ngữ không phải thế mạnh. Vì thế khi Bộ đưa phương án lựa chọn, sẽ công bằng cho học sinh.
Còn với thí sinh học tốt Ngoại ngữ, thì sẽ chọn môn này để đăng kí thi sẽ lợi thế khi gỡ điểm. Hiện nay, theo chương trình mới, học Ngoại ngữ cũng cần phát triển đầy đủ các kĩ năng, nó là môn học cần thiết trong thời đại hội nhập.
Phân loại rõ ràng
Cô Trịnh Thị Thu Hương, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hải An cho hay, phương án thi tốt nghiệp năm 2025 nhẹ nhàng và nới lỏng cho thí sinh. Môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc sẽ không gây áp lực cho học sinh theo học các môn KHTN.
Với học sinh chọn học và thi môn Ngoại ngữ lại là lợi thế để ôn chuyên sâu. Bởi hiện nay, học sinh tiếp cận với Ngoại ngữ từ nhỏ, và hướng tới thi các chứng chỉ quốc tế vì vậy môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không gây ảnh hưởng tới việc dạy và học Ngoại ngữ.
Mặc dù còn gần 2 năm nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 mới diễn ra, nhưng trước điều chỉnh của Bộ GD&ĐT về phương án môn thi, không chỉ nhà trường mà nhiều giáo viên ngoại ngữ cũng có sự chuyển biến về định hướng giảng dạy thiết thực, hiệu quả hơn.
Cô Hương cho hay, để học sinh làm quen với định dạng cấu trúc bài thi cô giáo đã phổ biến cho các em và có kế hoạch giảng dạy, kiểm tra đánh giá phù hợp. Với lớp 11, cô tập trung nâng cao kĩ năng đọc hiểu, bổ sung từ vựng cho học trò, đồng thời cho học sinh làm quen với các dạng đề mới trong cấu trúc định dạng đề thi minh hoạ mà Bộ GD&ĐT công bố.
Thầy Vũ Văn Điền - Hiệu trưởng Trường THPT Hải An cho biết, phương án 2+2 giảm áp lực môn thi cho học sinh. Với môn Ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc sẽ tạo nên hướng đi mới, thay đổi nhận thức, tư duy của thầy cô và học trò. Với những học sinh thực sự quan tâm sẽ học và đăng kí thi bộ môn này.
Theo Thảo Nguyên
Giáo dục và Thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC