Trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022 thì có tới 9 cơ sở giáo dục đại học.
Công bố quốc tế hằng năm đều đạt trên 18.000 bài
Theo ông Trịnh Xuân Hiếu - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo - năm học 2022-2023, hoạt động khoa học, công nghệ trong hệ thống giáo dục đại học tiếp tục có bước phát triển ổn định theo định hướng và đạt nhiều kết quả.
Năm qua, Đại học Quốc gia TP.HCM có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước với 2.248 bài báo khoa học. Trong top 10 có sự góp mặt của các tên tuổi quen thuộc như Trường đại học Tôn Đức Thắng và hai trường ngoài công lập là Trường đại học Duy Tân và Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
“Trong số 10 tổ chức khoa học có công bố quốc tế cao nhất năm 2022 thì có tới chín cơ sở giáo dục đại học. Điều này thể hiện ưu thế vượt trội của cơ sở giáo dục đại học trong công bố quốc tế”, ông Hiếu nhận định.
Theo kết quả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, trong giai đoạn 2018-2022 Việt Nam có 76.672 công bố, trong đó kể từ năm 2020 đến nay số lượng công bố hàng năm đều đạt trên 18.000 bài.
Năm 2022, các bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế được phân loại theo 27 lĩnh vực chuyên ngành từ 4 lĩnh vực lớn theo phân loại của Scopus: khoa học vật lý, khoa học sức khỏe, khoa học xã hội và khoa học đời sống.
Trong đó, 10 lĩnh vực chuyên ngành chiếm phần lớn nghiên cứu là: kỹ thuật, khoa học máy tính, toán học, vật lý và thiên văn, khoa học môi trường, y học, khoa học vật liệu, hóa học, khoa học nông nghiệp và sinh học.
Công bố quốc tế tăng chậm lại
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ, tổng hợp từ 236 tạp chí trong tổng số 334 tạp chí khoa học trong nước cho thấy năm 2022 đã có 15.075 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước.
Trong đó, chiếm phần lớn là các nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học xã hội với 7.857 bài báo, kế đến là khoa học y, dược với 3.226 bài báo, thấp nhất là lĩnh vực khoa học tự nhiên, với 819 bài báo.
Đáng chú ý, tuy số lượng công bố khoa học trong nước tăng mạnh trong ba năm gần đây nhưng công bố khoa học quốc tế đang tăng chậm lại.
Bài báo bị tạp chí quốc tế gỡ, tác giả ở Đại học Kinh tế TP.HCM thừa nhận ‘không tham gia viết'
Vụ trưởng Trịnh Xuân Hiếu nhận định: “So với công bố quốc tế thì công bố trong nước ít hơn rất nhiều. Trong các năm qua, hệ thống giáo dục đại học luôn có vai trò chủ đạo về công bố khoa học trong và ngoài nước, đã đóng góp khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS và khoảng 90% trong danh mục Scopus, hơn 50% công bố trên các tạp chí uy tín quốc gia”.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cho rằng thực trạng công bố quốc tế đã tăng chậm lại do có tác động từ chính sách của các trường đại học. Trong đó có việc siết lại chất lượng công bố từ những phản ánh của dư luận về tình trạng đăng bài báo trên các tạp chí mạo danh, tạp chí săn mồi, bài báo dỏm và “tệ nạn” mua bán bài báo quốc tế...
Định hướng nội dung hoạt động khoa học công nghệ trong năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong các hoạt động khoa học công nghệ, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.
Thống kê từ dữ liệu cơ sở dữ liệu Scopus cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam vẫn đang đứng thứ 5 về công bố quốc tế trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Trần Huỳnh
Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC