Chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho sinh viên sư phạm bắt đầu được thực hiện từ năm 2021 nhưng sau 2 năm triển khai, nhiều sinh viên chưa được nhận khoản hỗ trợ này với tổng số tiền lên tới nhiều tỉ đồng.
Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên (SV) sư phạm có hiệu lực cho khóa tuyển sinh từ năm 2021. Theo đó, SV sư phạm nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí và nhận 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được tính theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học. Kinh phí này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành. Các trường đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của SV tại ngân hàng.
Sinh hoạt phí hằng tháng nhưng hết năm… chưa được nhận
Sau 2 năm thực hiện chính sách nói trên, tình trạng SV sư phạm bị nợ sinh hoạt phí đang xảy ra đồng loạt ở nhiều trường, nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định 116 của Bộ GD-ĐT vào tháng 2 năm nay, số liệu tổng hợp từ các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ này cho thấy, nhu cầu kinh phí đến hết năm 2022 là 1.604.628 triệu đồng (hơn 1.604 tỉ đồng). Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã giao cho các trường trực thuộc Bộ là 1.166.205 triệu đồng (hơn 1.166 tỉ đồng) - mới đáp ứng được 73% nhu cầu. Kinh phí cấp bù học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo Nghị định 116 còn thiếu là 438.423 triệu đồng (hơn 438 tỉ đồng). Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng cấp bổ sung cho các đơn vị, đặc biệt là sinh hoạt phí chi trả cho SV.
Trong khi đó, thực tế từ các đơn vị đào tạo, người học liên tục phản ánh về việc nhiều tháng liền không nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí. Điều này khiến SV có hoàn cảnh khó khăn khi lựa chọn theo học ngành sư phạm rơi vào tình trạng chật vật.
Một SV Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang cho biết từ năm 2021, SV ngành sư phạm tại trường này mới nhận được tiền hỗ trợ theo 3 tháng/lần từ năm 2021 đến cuối năm 2022. "Đến năm 2023, việc chi trả tiền sinh hoạt phí cho SV không còn diễn ra theo thời gian trên mà kết thúc năm học cũ sang năm học mới vẫn chưa thấy gì", SV này cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Trung Triều, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang, cho biết trường có 387 SV khóa 26 tuyển sinh năm 2021 và 293 SV khóa 27 tuyển sinh năm 2022. Trong đó, khóa 2021, SV đã được nhận sinh hoạt phí đến hết tháng 11.2022, còn thiếu từ tháng 12.2022 đến nay (tổng cộng 6 tháng). Với khóa 2022, SV đã được nhận khoản tiền trên đến hết tháng 2.2023, còn thiếu từ tháng 3 đến nay (tổng cộng 4 tháng). "Nguyên nhân của việc trả chậm sinh hoạt phí này là do trường được cấp kinh phí chậm. Trường đã báo cáo và kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT cấp kinh phí theo quy định của Nghị định 116", Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang lý giải.
Một SV Trường ĐH Sài Gòn cũng cho biết phần lớn SV trúng tuyển khóa 2021, nay đã bước vào năm thứ 3 vẫn chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ Nghị định 116 dù đã làm đơn đăng ký từ lâu. Không chỉ khóa 2021, toàn bộ SV sư phạm khóa 2022 của trường cũng trong hoàn cảnh tương tự. "Tụi em là SV khóa 2021, đã chờ đợi hơn 2 năm nay rồi", SV này cho biết. Về việc này, đại diện của trường xác nhận đến thời điểm này các SV sư phạm của trường chưa được nhận hỗ trợ sinh hoạt phí.
Để đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo học tại 2 trường ĐH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gồm: Trường ĐH Hồng Đức và Trường ĐH Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ kinh phí trên 87,2 tỉ đồng cho SV khóa 2021 và 2022.
Chỉ 17,4% SV sư phạm được đặt hàng, giao nhiệm vụ
Gắn liền với việc hỗ trợ chi phí cho người học theo Nghị định 116 là cơ chế tham gia đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ của các địa phương với các đơn vị đào tạo. Theo nghị định này, kinh phí hỗ trợ SV sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành. Trong đó, các cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên kinh phí hỗ trợ SV sư phạm. Với nhóm SV không thuộc đối tượng trên, kinh phí được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của luật Ngân sách nhà nước. Nhưng kết quả triển khai thực tế cho thấy SV sư phạm thuộc nhóm giao chỉ tiêu, đặt hàng hoặc đấu thầu chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo số liệu năm 2021, Bộ GD-ĐT giao 50.505 chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo. Trong số 130.893 thí sinh đăng ký xét tuyển có 49.673 người trúng tuyển và số nhập học trên 43.000 (đạt 85,22%). So với các năm trước, số thí sinh theo học và điểm chuẩn tăng mạnh. Tuy nhiên, cơ chế đấu thầu chưa được triển khai. Còn tỷ lệ SV được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với tổng số nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số SV đăng ký hưởng chính sách. Như vậy, số SV thuộc diện đào tạo theo nhu cầu xã hội và được ngân sách nhà nước cấp thông qua Bộ GD-ĐT chiếm tới 75,7% so với số SV đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số SV nhập học.
Cho đến đầu năm 2023 có 12/58 trường trực thuộc địa phương được các địa phương giao nhiệm vụ triển khai và chi trả học phí, sinh hoạt phí cho SV. Nhưng nhiều trường CĐ, ĐH đào tạo sư phạm thuộc địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV. Trong đó, có cả Trường ĐH Thủ đô Hà Nội (trực thuộc UBND TP.Hà Nội) và Trường ĐH Sài Gòn (trực thuộc UBND TP.HCM). Bên cạnh đó, 6 trường được địa phương sở tại hoặc lân cận đặt hàng nhưng chưa hoặc mới chi trả một phần kinh phí rất nhỏ, ví dụ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (13 chỉ tiêu) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (51 chỉ tiêu).
Tiếp theo đó, năm 2022 Bộ GD-ĐT xác định và thông báo 37.434 chỉ tiêu đào tạo giáo viên. Dù có tới gần 82.000 thí sinh đăng ký nhưng số trúng tuyển nhập học chỉ 26.183 SV (đạt 70% chỉ tiêu). Sự sụt giảm đáng kể số lượng này so với năm trước đó cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện năm 2021 đã tác động tới tình hình tuyển sinh 2022.
Từ thực trạng trên, báo cáo của Bộ GD-ĐT tới Chính phủ chỉ ra rằng phương thức thực hiện thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đào tạo không được triển khai ở mức độ và hiệu quả như quan điểm chỉ đạo của Nghị định 116. (còn tiếp)
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC