Chỉ tiêu bị cắt giảm mạnh, điểm chuẩn sư phạm sẽ ra sao?

Thứ năm - 27/07/2023 06:51:03


Điểm sàn của một số trường đại học khá cao nhưng điểm chuẩn được dự báo không biến động nhiều.

Hiện nay, nhiều trường đào tạo khối ngành sư phạm đã công bố điểm sàn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Mặc dù chỉ tiêu sư phạm năm nay tiếp tục bị giảm theo xét duyệt của Bộ GD&ĐT nhưng điểm sàn không thay đổi nhiều, vẫn ở mức cao với những ngành có nhu cầu lớn và thu hút thí sinh (TS) quan tâm.

Chỉ tiêu bị giảm mạnh

Theo quy định hiện hành (Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT), các trường đào tạo sư phạm chỉ thực hiện xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có và báo cáo về Bộ GD&ĐT để đăng ký. Sau đó, bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu địa phương và cả nước.

Chỉ tiêu bị cắt giảm mạnh


Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, nhiều trường sư phạm năm nay dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhưng sau đó chỉ được giao với số lượng ít hơn nhiều, nhất là các trường ở khu vực phía Bắc.

Cụ thể như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (tỉnh Vĩnh Phúc) dự kiến tuyển hơn 2.600 TS, sau đó được Bộ GD&ĐT duyệt xuống chỉ còn hơn 900, giảm hơn 1.700 TS.

Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) sau khi xét duyệt chỉ được giao 540 chỉ tiêu, giảm hơn 50% so với chỉ tiêu dự kiến của trường.

Còn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển hơn 3.000 chỉ tiêu khối sư phạm nhưng dựa theo nhu cầu của địa phương, trường bị giảm khoảng 600 TS.

Tại TP.HCM, hai trường đào tạo sư phạm lớn nhất để cung ứng giáo viên cho TP cũng như các địa phương lân cận năm nay cũng bị cắt giảm chỉ tiêu so với năng lực đào tạo của trường nhưng chỉ giảm nhẹ.

Như Trường ĐH Sài Gòn, đáng chú ý ở 15 ngành đào tạo giáo viên, trường dự kiến tuyển đến 1.000 chỉ tiêu, tức tăng đến 350 chỉ tiêu so với năm trước nhưng trường được duyệt tuyển còn 940 chỉ tiêu.

Còn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được giao tuyển hơn 1.700 chỉ tiêu cho 22 ngành sư phạm, theo đại diện trường, mức này thấp hơn khoảng 300 chỉ tiêu so với dự kiến ban đầu. Trong đó, nhiều nhất cũng là ngành giáo dục tiểu học với 320 chỉ tiêu. Kế đến là giáo dục mầm non, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử - địa lý, mỗi ngành được tuyển 200 chỉ tiêu. Các ngành khác tùy theo nhu cầu được giao thực tế có 20-150 chỉ tiêu.

Điểm sàn cao ở nhiều ngành, điểm chuẩn có thể không tăng

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, điểm sàn với nhóm ngành đào tạo giáo viên năm nay giữ nguyên như năm trước.

Trong đó, nhóm ngành trình độ ĐH là 19 điểm. Riêng đối với các ngành giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật là 18 điểm, theo tổ hợp ba môn văn hóa từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn với ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ là 17 điểm.

Theo ghi nhận, ở các trường công lập, điểm sàn ở nhiều ngành sư phạm khá cao, cao hơn nhiều so với mức của bộ.

Như tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhóm ngành đào tạo giáo viên có mức điểm sàn từ 18 đến 21,5 điểm, trong đó cao nhất là ngành sư phạm ngữ văn.

Đáng chú ý nhất là Trường ĐH Sài Gòn, bởi phương thức trường xét tuyển 15 ngành sư phạm vẫn là sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm sàn dao động 19-23,5. Đây là trường có ngành sư phạm giữ mức điểm cao nhất hiện nay và cao hơn mức của bộ 0,5-4,5 điểm.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm sàn các ngành sư phạm dao động 19-23.

Theo ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, năm nay các phương thức sớm như ưu tiên xét tuyển, thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp xét học bạ… thu hút nhiều TS nhưng không phải TS nào trúng tuyển sớm cũng chọn là nguyện vọng 1, vì vậy điểm chuẩn năm nay rất khó dự báo vì cơ hội cho các em đăng ký vào các trường đều rất lớn.

“Với phổ điểm năm nay, nếu lượng TS quan tâm, đăng ký vào khối ngành sư phạm tương tự năm trước thì dự kiến điểm chuẩn cũng sẽ không biến động nhiều” - ThS Quốc nhận định.

 

Theo Phạm Anh
Pháp luật Tp.HCM

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây