Kỳ thi đánh giá năng lực: Những thay đổi đáng chú ý

Thứ ba - 28/11/2023 18:40:47


Từ năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cùng với sự thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp, các hình thức xét tuyển ĐH cũng cần được điều chỉnh.

Trong đó, đáng chú ý là kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tự tổ chức cũng có những điều chỉnh phù hợp.

Điều chỉnh cấu trúc bài thi, môn thi

Được tổ chức từ năm 2018, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện đã thu hút hơn 100.000 thí sinh (TS) đến từ 1.815 trường THPT tham gia dự thi và gần 100 cơ sở giáo dục sử dụng để tuyển sinh. Chuẩn bị cho năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố định hướng tổ chức kỳ thi với những điểm mới đáng chú ý.

kỳ thi đánh giá năng lực


Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ năm 2025 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Cụ thể, kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho TS tham dự. Đồng thời, kỳ thi sẽ có những điều chỉnh về cấu trúc bài thi để phù hợp với sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018.

Những năm qua, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực gồm 3 phần. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ (400 điểm gồm 40 câu), đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, đọc hiểu, phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh; phần 2 có điểm tối đa là 300, gồm 10 câu toán học phổ thông, 10 câu tư duy logic theo dạng suy luận và xác định các quy luật logic, 10 câu phân tích số liệu với bảng dữ liệu được cho trước; phần giải quyết vấn đề tối đa 500 điểm, là những câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, mỗi lĩnh vực hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử có 10 câu. Với tổng điểm tối đa bài thi 1.200, thí sinh cần giải quyết toàn bộ 120 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian làm bài 150 phút.

Nhưng theo dự thảo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025, dù vẫn gồm 3 phần nhưng riêng phần 3 giải quyết vấn đề có sự thay đổi về cấu trúc. TS được lựa chọn làm các câu hỏi thuộc 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Như vậy, so với cấu trúc bài thi đánh giá năng lực từ trước đến nay, thì cấu trúc bài thi từ năm 2025 sẽ có sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật - nội dung mới xuất hiện trong Chương trình GDPT 2018.

"Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung vào phần giải quyết vấn đề. TS sẽ được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài, thay vì phải làm hết tất cả các câu hỏi của phần thi này như trước", tiến sĩ Chính giải thích thêm.

Có nên cho thí sinh lựa chọn môn thi?

Trước định hướng của ĐH Quốc gia TP.HCM về sự thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025, đại diện một số trường tỏ ra băn khoăn.

Chia sẻ trong hội nghị do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 24.11 vừa qua, tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, bày tỏ sự băn khoăn khi kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có định hướng cho phép TS lựa chọn môn trong phần giải quyết vấn đề. Băn khoăn này được vị phó hiệu trưởng phân tích từ thực trạng xu hướng lựa chọn môn học để học và thi của học sinh (HS) hiện nay.

Ông Nam nói: "Chúng tôi đã khảo sát một trường THPT, trường có 7 lớp mà chỉ một lớp học môn vật lý. Chưa chắc lớp học môn vật lý này có HS chọn môn hóa hay sinh". Từ xu hướng lựa chọn nghiêng hẳn sang lĩnh vực khoa học xã hội của HS những năm gần đây, ông Nam cho rằng sẽ khó khăn cho các trường ĐH đào tạo ngành đòi hỏi kiến thức nền tảng chặt chẽ hơn như kỹ thuật, công nghệ. "Đối tượng người học các lĩnh vực khoa học tự nhiên bị thu hẹp, sẽ là thách thức với các trường tuyển sinh khối ngành kỹ thuật, công nghệ", ông Nam lo lắng.

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết quan điểm của bài thi là đánh giá năng lực cơ bản nhất khi học ĐH của TS. Riêng trong giải quyết vấn đề, ông Chính cho biết tổ chuyên gia sẽ cân nhắc đến giải pháp giúp TS quan tâm hơn tới lĩnh vực khoa học tự nhiên, có tỷ trọng phù hợp giữa các lĩnh vực. "ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ công bố chi tiết hơn số câu hỏi của từng lĩnh vực từ toán, tiếng Anh, vật lý… Từ đó, các trường có thể chủ động sử dụng kết quả thi của TS cho phù hợp với đặc thù từng ngành, trường. Ví dụ, trên cơ sở thang điểm từng phần, Trường ĐH Nha Trang khi xét tuyển TS ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí có thể nhân hệ số với phần thi toán, lý để chọn được người học phù hợp", tiến sĩ Chính chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng mục tiêu của các trường ĐH là tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển đúng. "Muốn tuyển đủ dễ nhất là bằng học bạ THPT nhưng kết quả của học bạ THPT không đáng tin cậy. Chúng tôi có những thống kê rất đầy đủ thể hiện sự không đáng tin cậy của kết quả này", tiến sĩ Nghĩa nói và cho rằng các trường ĐH cần phải dựa vào những kết quả tin cậy hơn, ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng đến năm 2025, trong bối cảnh chương trình mới, ông Nghĩa cho rằng những kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH càng trở nên quan trọng hơn. 

 

Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây