Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng số thí sinh đăng ký lại giảm.
Đến hết ngày 10-6, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM chính thức đóng cổng đăng ký xét tuyển sớm bằng điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2023. Hệ thống chung này có đến 66 trường ĐH, cao đẳng tham gia với gần 1.600 ngành/chương trình, thế nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ chiếm 1/3 số thí sinh dự thi. Đây là năm thứ sáu ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi ĐGNL.
Chỉ 1/3 thí sinh đăng ký xét tuyển
Theo công bố của ĐH Quốc gia TP.HCM về kết quả thi ĐGNL chung cả hai đợt năm 2023, toàn kỳ thi có hơn 101.735 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 639,7; điểm thi nhỏ nhất là 190 và điểm thi cao nhất là 1.133.
Phân tích từ phổ điểm năm nay cho thấy có gần 60.000 em đạt điểm thi trên 600. Trong đó, 11.332 em có điểm thi trên 800, 248 em có điểm thi trên 1.000.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết phân bố điểm của các thí sinh trong cả hai đợt thi (sử dụng kết quả thi cao nhất của thí sinh nếu dự thi cả hai đợt) có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho việc xét tuyển.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thông tin đến nay kỳ thi đã có 91 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, chủ yếu là các trường ĐH. Trong đó, 66 đơn vị sử dụng cùng hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến chung với 1.595 ngành học.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023. Ảnh: P.ANH
Cùng với đó, chỉ tiêu của nhiều cơ sở đào tạo ĐH dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL cũng tăng hơn so với năm trước. Cụ thể, riêng hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay dành tới 45% tổng chỉ tiêu, tức tăng 5% so với năm trước. Thế nhưng dù thời hạn đăng ký xét tuyển được kéo dài đến hơn hai tháng nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết chỉ có gần 38.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên cổng của ĐH Quốc gia TP.HCM với hơn 180.000 nguyện vọng.
Số lượng này chỉ chiếm khoảng 1/3 số thí sinh dự thi năm nay và cũng rất thấp so với năm 2022, vì ở năm 2022 có đến gần 93.000 thí sinh dự thi đều đăng ký xét tuyển với 380.000 nguyện vọng vào hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Điểm chuẩn sẽ khó giảm?
Mặc dù số thí sinh đăng ký và lượng nguyện vọng giảm so với năm ngoái nhưng theo đánh giá của từng đơn vị đào tạo cũng như hệ thống chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm chuẩn xét tuyển năm nay sẽ khó giảm.
Cụ thể như tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, thừa nhận năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm ở phương thức này giảm hẳn so với năm trước, cũng như so với các phương thức khác.
Hiện tại trường ghi nhận có khoảng 26.000-27.000 nguyện vọng đăng ký, chỉ đạt 55% so với năm trước và cũng là trường có số nguyện vọng đăng ký đông nhất trong hệ thống của ĐH Quốc gia TP.HCM. Mức điểm sàn vào trường từ 600 điểm và trường dành 40%-60% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành cho phương thức này.
Các ngành được thí sinh chọn nhiều là thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, marketing, Luật Thương mại quốc tế…
Tuy nhiên, theo ThS Tiến, mặc dù số nguyện vọng giảm mạnh nhưng chất lượng thí sinh có điểm cao nhiều hơn.Điều này cho thấy thí sinh đã tìm hiểu điểm chuẩn của năm trước và cân nhắc kỹ khi đặt nguyện vọng để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Phân tích nguyên nhân số thí sinh đăng ký xét tuyển giảm, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết có thể do thông tin từ Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh cách đăng ký xét tuyển chưa rõ ràng, khiến thí sinh hiểu sai. Cụ thể, theo bộ, trong đợt đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống năm nay, TS chỉ cần đăng ký thứ tự và không giới hạn nguyện vọng, không cần ghi phương thức cụ thể. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đang hiểu là chỉ đăng ký một lần trên hệ thống, không cần đăng ký xét tuyển sớm ở các trường nữa.
Thứ hai, mặc dù số thí sinh đăng ký và nguyện vọng xét tuyển giảm hẳn so với năm ngoái nhưng phổ điểm của những thí sinh đăng ký năm nay hầu hết thuộc nhóm điểm cao, số thí sinh có điểm thi 600, 700 trở xuống giảm hẳn. Điều này cho thấy thí sinh cân nhắc hơn trong việc đăng ký xét tuyển vào những ngành có điểm chuẩn (năm 2022) phù hợp với năng lực. Khi đó, các em có điểm thấp so với ngành mình muốn vào sẽ lựa chọn phương thức khác (như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ…) hoặc đơn vị đào tạo khác ngoài hệ thống xét tuyển chung.
Vì vậy, theo TS Chính, số thí sinh đăng ký giảm trong khi chỉ tiêu của ĐH Quốc gia TP.HCM dành cho phương thức này tăng nhưng chất lượng kết quả xét tuyển sẽ không giảm so với năm trước vì số thí sinh có điểm cao gần như đã đăng ký hết. Thậm chí, với những ngành hot, thí sinh vẫn phải có điểm thật cao mới có thể trúng tuyển.
Theo Phạm Anh
Pháp luật TP.HCM
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC