Đại diện một số trường đại học phía Bắc đã đưa ra những dự đoán về điểm chuẩn năm 2023 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Bách khoa Hà Nội
Theo dự báo của ĐH Bách khoa Hà Nội về mức điểm chuẩn vào trường theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhóm Công nghệ thông tin với ngành Khoa học máy tính (IT1), Kỹ thuật máy tính (IT2), Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) là 3 ngành được dự báo có điểm chuẩn cao nhất – trên 27,5 điểm.
Các ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa, An toàn không gian số (Chương trình tiên tiến), Công nghệ thông tin (Việt-Nhật) (chương trình tiên tiến), Công nghệ thông tin (Global ICT), Công nghệ thông tin (Việt-Pháp) (chương trình tiên tiến), Toán – Tin được dự báo có mức điểm chuẩn từ 26 – 27,5 điểm.
Các ngành còn lại dự báo dao động từ 20 – 26,5 điểm.
Điểm chuẩn dự báo từng ngành cụ thể như sau:
Trường ĐH Kinh tế quốc dân
Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay năm 2023, nhà trường dành 25% chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, với số chỉ tiêu 25% còn lại cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT này, ông Triệu cho biết điểm chuẩn sẽ khó thấp hơn so với năm ngoái.
“Điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cũng rất cao, thấp nhất đã là 26,1; các mức điểm cao lên đến hơn 28.
Năm nay, với cơ chế điểm ưu tiên mới được áp dụng (giảm dần tuyến tính từ mức tổng điểm 22,5 trở lên), tôi nghĩ điểm chuẩn của các ngành có điểm chuẩn cao năm ngoái (từ 28 trở lên) xác suất tăng sẽ thấp. Các ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn, có thể sẽ ổn định”, ông Triệu nói.
Trường ĐH Thương mại
ThS Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Thương mại, cho hay dự kiến những ngành top đầu của trường gồm: Thương mại điện tử, Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sẽ có điểm chuẩn năm 2023 cơ bản ổn định như năm ngoái, ở mức 27 điểm.
“Khả năng tăng điểm chuẩn cũng rất khó, tôi nghĩ mốc cao nhất vẫn sẽ là 27 điểm”, ông Trung nói.
Nhóm thứ hai là các ngành năm ngoái có điểm chuẩn dao động từ 26 đến 26,5 như Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Kế toán, Kiểm toán, Quản trị kinh doanh... điểm chuẩn năm nay có thể giảm nhẹ, khoảng 0,25 đến 0,5 điểm.
Nhóm thứ ba là các ngành năm ngoái có điểm chuẩn dưới 26 (cụ thể ở mức 25,8) như Luật kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Hệ thống thông tin quản lý... dự kiến năm nay cũng sẽ giảm.
Ông Trung cũng dự đoán, đối với những ngành chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp có mức học phí cao hơn chương trình chuẩn, có thể mức điểm chuẩn năm nay sẽ giảm khá sâu so với năm ngoái.
“Nhận định như vậy bởi ngoài phổ điểm thi, các trường đại học khác tăng mạnh số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp, trong khi năm nay, Trường ĐH Thương mại vẫn dành hơn 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT”, ông Trung chia sẻ.
Cũng theo ông Trung, những thí sinh có tổng điểm từ mức 23 trở xuống gần như không có cơ hội vào Trường ĐH Thương mại năm nay.
Ông Trung nói thêm những ngành mà trường mở mới năm nay như Ngôn ngữ Trung quốc và Kinh tế số, dự kiến mức điểm chuẩn ít nhất cũng phải từ 24,5 đến 25 điểm.
Trường ĐH Luật Hà Nội
TS Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Đào tạo đại học của Trường ĐH Luật Hà Nội, dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 ở một số ngành, tổ hợp.
Bởi chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2023 tăng 135 so với năm 2022. Bên cạnh đó, trường thực hiện phương thức xét tuyển sớm và công bố điểm xét tuyển sớm (từ ngày 25/5) với điểm của tất cả các tổ hợp rất cao.
“Điểm xét tuyển của các tổ hợp vào các ngành của Trường tại trụ sở chính từ 27,61 đến 30 điểm. Tuy nhiên, các thí sinh trúng tuyển sớm vào trường với điểm xét tuyển này cũng đã được xét tuyển sớm vào nhiều ngành của nhiều trường khác trên cả nước. Vì vậy, các em có nhiều sự lựa chọn đăng ký xét tuyển khác nhau và chọn vào Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ là một trong nhiều sự lựa chọn.
Do đó, thực tế, tỷ lệ thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm có đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào trường sẽ không cao. Theo Đề án tuyển sinh của trường, khi các phương thức xét tuyển sớm không dùng hết chỉ tiêu, sẽ điều chuyển số chỉ tiêu này sang xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023, nên điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT mặt bằng chung cũng sẽ giảm”, ông Dương dự đoán.
Theo ông Dương, ngành Luật kinh tế là ngành hot của trường, vì vậy điểm chuẩn của các tổ hợp xét tuyển vào ngành này thường cao nhất. Tuy nhiên năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Luật kinh tế tăng từ 350 lên 450, nên điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể cũng sẽ giảm so với năm ngoái.
Ông Dương cho biết thêm, riêng một số tổ hợp xét tuyển vào các ngành có môn Ngoại ngữ như A01; D01; D02; D03; D05; D06 điểm chuẩn có thể tăng nhẹ.
“Bởi trong thời gian vừa qua, nhiều thí sinh tham gia thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và được Trường quy đổi để xét tuyển với các mức quy đổi cao”, ông Dương nói.
Trường ĐH Giao thông vận tải
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho hay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 không thay đổi nhiều so với năm trước. Cùng với việc mức điểm ưu tiên của thí sinh sẽ giảm tuyến tính theo điểm thi cao dần, ông Chương dự đoán mặt bằng chung điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái.
Cụ thể, các ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái từ 24 điểm trở lên như Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật ô tô, Kinh tế, Quản trị kinh doanh... năm nay có thể giảm, khoảng 0,5 điểm.
Các ngành của trường liên quan đến kinh tế, điểm chuẩn phải từ 23 trở lên. Các ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái từ 23 trở xuống dự kiến năm nay sẽ ít thay đổi.
Học viện Tài chính
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo của Học viện Tài chính, dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của học viện năm nay sẽ ít biến động, tương tự như năm ngoái.
“Có thể chỉ dao động tăng/giảm trong khoảng 0,5 điểm”, ông Thạch dự đoán.
Ông Thạch cho biết, với Học viện Tài chính, điểm chuẩn các ngành học cũng không chênh lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, ông Thạch cho hay một số ngành thường có số lượng thí sinh đăng ký đông như Hải quan và Logistics, Quản trị kinh doanh thì điểm chuẩn khả năng có thể tăng một chút.
“Thông thường, mấy năm gần đây, lượng thí sinh đăng ký vào những ngành này khá lớn. Những ngành có lượng thí sinh đăng ký lớn sẽ có xu hướng tăng điểm chuẩn”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cho hay năm nay, với quy định điểm cộng ưu tiên giảm tuyến tính với thí sinh có từ mức điểm 22,5 trở lên, sẽ làm cho mặt bằng chung điểm chuẩn trúng tuyển giảm một chút. Bởi điểm chuẩn các ngành của trường năm ngoái hầu hết trong khoảng 25-26 điểm.
Những ngành khả năng có mức điểm chuẩn thấp nhất Học viện Tài chính năm nay, theo ông Thạch là Hệ thống thông tin quản lý, Tài chính - Ngân hàng 3.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho hay qua phân tích tổng quan so với năm ngoái, phổ điểm khối A00 năm nay sẽ giảm nhẹ, khoảng 0,15 điểm. Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy phổ điểm từ 21 đến dưới 26 giảm 71.000 thí sinh so với năm 2022, mức từ 26 điểm trở lên giảm 6.000 thí sinh.
Điểm bình quân tổ hợp A01 năm 2023 tăng 0,01 điểm so với năm ngoái, phổ điểm từ 21 đến dưới 26 tăng 5.000 thí sinh so với năm 2022, mức từ 26 điểm trở lên giảm 2.500 thí sinh. "Phổ điểm tổ hợp A01 có tăng nhẹ, bởi phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay biến động tăng", TS Sơn nói.
Điểm bình quân tổ hợp D01 năm nay cũng tăng khoảng 0,4 điểm so với năm 2022, phổ điểm từ mức 21 đến dưới 26 năm 2023 tăng mạnh so với năm ngoái.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ yếu tuyển sinh bằng các tổ hợp chính gồm A00, A01 và D01. Điểm chuẩn các ngành của nhà trường trong những năm qua tập trung trong khoảng từ 22-26 điểm. Do đó, TS Sơn đưa ra dự đoán về điểm chuẩn:
"Thông thường các ngành sử dụng tổ hợp A00 để xét tuyển cũng sử dụng tổ hợp A01 để xét tuyển và khi xét tuyển sẽ điều hòa cho nhau. Do đó, với những ngành năm ngoái có điểm chuẩn trong khoảng từ 21-26, năm nay có thể ổn định hoặc giảm nhẹ tùy từng ngành, trong khoảng 0,25 đến 0,5 điểm. Cũng với tổ hợp khối A00 và A01, các ngành năm 2022 có điểm chuẩn từ 26 trở lên có thể giảm khoảng 0,25 điểm.
Còn với tổ hợp D01, nếu các ngành xét tuyển cùng với các tổ hợp khối D khác, điểm chuẩn các ngành đó năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 0,5 điểm so với năm 2022. Còn nếu xét tuyển tổ hợp D01 và cùng các tổ hợp A00, A01, điểm chuẩn có thể sẽ giữ ổn định so với năm 2022".
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết năm nay, dự kiến điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển kết hợp của tất cả các ngành đều tăng so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, ngay ở ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của các phương thức tuyển sinh đã được học viện công bố, cho thấy đều tăng so với năm 2022. Điều này khả năng cũng kéo điểm chuẩn theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng theo.
Theo bà Giang, với số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký tăng vượt trội hơn so với năm ngoái, dự kiến mặt bằng chung điểm chuẩn năm nay sẽ nhiều biến động.
“Năm nay, dự đoán điểm chuẩn khó thấp hơn năm ngoái đối với những ngành hot của nhà trường”, bà Giang nói.
Chia sẻ thêm về những nhóm ngành được quan tâm, bà Giang cho biết đó là các ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng, Quan hệ quốc tế và dự kiến cũng sẽ là những nhóm ngành có mức điểm chuẩn cao năm nay.
“Ngoài những ngành này, những ngành khác, kể cả các ngành khối lý luận dự kiến điểm chuẩn không thấp hơn năm ngoái”, bà Giang nói.
Trường ĐH Hà Nội
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội chia sẻ: “Năm 2023, theo đánh giá của các chuyên gia, phổ điểm của khối D - khối tuyển sinh vào tất cả các ngành đào tạo của Trường, có xu hướng ổn định. Do đó, dự đoán điểm chuẩn vào các ngành của Trường ĐH Hà Nội năm nay có khả năng không biến động nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, chúng tôi cũng biết rằng số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường năm nay cao hơn so với năm ngoái. Kết hợp với phổ điểm khối D ổn định trong khi chỉ tiêu không đổi, có thể một số ngành hot như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Marketing... điểm chuẩn dự kiến có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm. Đây cũng là những ngành học trong 3 năm qua đều thuộc nhóm các ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường”.
Với các ngành còn lại, theo ông Dũng, dự đoán điểm chuẩn sẽ ổn định so với năm ngoái. Điểm chuẩn nếu có giảm, mức giảm cũng chỉ khoảng 0,5 điểm so với năm 2022. "Khả năng điểm chuẩn ngành học nào đó của trường năm nay giảm mạnh từ 1 đến 2 điểm là rất khó”, ông Dũng nói.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội
GS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay về cơ bản, các phổ điểm liên quan đến khối Khoa học tự nhiên năm nay có giảm nhẹ so với năm 2022, trừ phổ điểm môn Sinh học có tăng cao hơn năm 2022.
“Tất nhiên điểm chuẩn còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như số lượng thí sinh đăng ký, chỉ tiêu... song nhìn vào phổ điểm, có thể dự đoán điểm trúng tuyển khối Khoa học tự nhiên năm nay sẽ thay đổi không nhiều.
Điểm chuẩn các ngành xét theo khối A00 (Toán - Vật lý - Hoá học) có thể giảm nhẹ trong biên độ từ 0,5-1,5 điểm so với năm 2022. Khối A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh) tương đương năm 2022 hoặc giảm khoảng 0,5-1 điểm. Trong khi đó, khối B00 (Toán - Hoá học - Sinh học) có thể tăng giảm khoảng 0,5-1 điểm”, GS Sơn phân tích.
Tuy nhiên, đại diện các trường đại học, học viện cũng cho hay, trên đây chỉ là những dự đoán, nhận định theo kinh nghiệm, mang tính tham khảo và không có tính tuyệt đối. Bởi việc dự đoán điểm chuẩn từng ngành theo các khối thi là rất phức tạp vì còn phụ thuộc rất nhiều tham số: chỉ tiêu, các phương thức xét tuyển, số lượng đăng ký,...
Theo kế hoạch, trước 17h ngày 22/8, các trường, học viện sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển năm 2023.
Theo Thanh Hùng
Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC