Trên bảng xếp hạng Webometrics tháng 7/2023, top 5 trường đại học ở Việt Nam đều tụt hạng so với kỳ tháng 1/2023.
Phòng Thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) vừa công bố bảng xếp hạng lần thứ hai năm 2023.
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) vẫn duy trì vị trí số 1 Việt Nam song xếp hạng đại học tại khu vực và trên thế giới đều giảm nhẹ.
So với kỳ tháng 1/2023, đơn vị này được đánh giá thứ 671 thế giới, tụt 10 bậc. Tương tự, vị trí ở châu Á cũng rớt 10 bậc từ 137 xuống 147 và từ thứ hạng 11 Đông Nam Á xuống 12.
Tại kỳ xếp hạng đầu năm, ĐHQG Hà Nội tăng đột biến tới 97 bậc.
Mặc dù đều tụt hạng nhưng ĐHQG Hà Nội đã nỗ lực cải thiện thứ bậc so với cùng kỳ. Bảng xếp hạng Webometrics tháng 8/2022 ghi nhận ĐHQG Hà Nội vào top 800 đại học hàng đầu thế giới khi xếp hạng 758.
Đây là thứ hạng cao nhất của một cơ sở giáo dục của Việt Nam được ghi nhận ở thời điểm đó. Trong 2 kỳ của năm 2023, đơn vị này nỗ lực neo top 700.
Theo thống kê của báo Dân trí, top 5 của Việt Nam không có sự thay đổi về thứ hạng trong nước nhưng đều giảm nhẹ so với thế giới lần lượt là: ĐHQG Hà Nội (tụt 10 bậc), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (tụt 92 bậc), Trường ĐH Duy Tân (tụt 73 bậc), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (tụt 84 bậc), ĐH Bách khoa Hà Nội (tụt 68 bậc).
Trong top 10 chỉ có 3 trường tăng thứ bậc là Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM (tăng 37 bậc), Trường ĐH Kinh tế TPHCM (tăng 60 bậc), ĐH Đà Nẵng (69 bậc).
Sự biến động diễn ra ở vị trí 11 đến 15. Các đơn vị liên tục đảo thứ hạng. Tăng 92 bậc, Trường ĐH Mở TPHCM vượt lên bậc 14 sau khi tụt xuống bậc 16 ở kỳ trước.
Ngược lại, Trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội giảm 249 bậc, xuống vị trí thứ 3.176.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã rời top 15 sau khi tụt 763 bậc (từ 3.140 xuống 3.903).
Xếp hạng trên toàn thế giới, ĐH Harvard xếp vị trí thứ 1 ở mọi tiêu chí. Trong top 10 có 9 trường ở nước Mỹ, riêng ĐH Oxford của Anh xếp thứ 4.
Webometrics là Bảng xếp hạng tự động, đánh giá năng lực số hóa và mức độ lan tỏa, ảnh hưởng về tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số về mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (impact), độ mở về tài nguyên học thuật (openness) trên Google Scholar, và chỉ số trích dẫn khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus (excellence) của một cơ sở giáo dục đại học.
Trong kỳ xếp hạng này, Webometrics vẫn duy trì phương pháp xếp hạng như ở kỳ tháng 01/2023. Cụ thể, tiêu chí "presence" (lượng tài nguyên số hóa) đã được loại bỏ trong phương pháp xếp hạng, tiêu chí visibility (mức độ ảnh hưởng) có trọng số cao nhất (50%).
Tiếp theo là tiêu chí excellence (sự xuất sắc) có trọng số 40% và tiêu chí transperency (độ mở học thuật) có trọng số 10% - trong đó, tiêu chí transperency (độ mở học thuật) đã tiếp tục mở rộng số hồ sơ nhà khoa học được xem xét và đánh giá trên cơ sở dữ liệu Google Scholar lên tới 290 hồ sơ (top 21-310).
Theo Huyên Nguyễn
Dân trí
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC