Năm 2023, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội tuyển sinh 32 ngành, tuy nhiên có ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học chưa đạt 50% chỉ tiêu được duyệt.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (số 55, đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 8 tháng 8 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ, tiền thân là Khoa Xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trải qua hơn 65 năm đào tạo và hơn 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo các ngành, các bậc học từ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực Xây dựng.
Với sự mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức; đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước. Trường mong muốn trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình và thịnh vượng.
Hiện nhà trường do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hòa là Hiệu trưởng.
Một số ngành sinh viên nhập học chưa đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh
Qua tìm hiểu đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022 cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có xu hướng tăng. Năm 2021, tăng 80 người nâng lên 3.480 chỉ tiêu (so với năm 2020 là 3.400 chỉ tiêu).
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 tăng 420 chỉ tiêu so với năm 2021, nâng tổng số chỉ tiêu là 3.900.
Đặc biệt, kể từ năm 2022, trường không tuyển sinh ngành Kiến trúc, chuyên ngành Kiến trúc Nội thất; ngành Kiến trúc, chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan.
Bên cạnh đó, năm 2022 theo Quyết định số 768/QĐ-ĐHXDHN và Quyết định số 769/QĐ-ĐHXDHN, trường tự chủ mở ngành Kiến trúc Nội thất và ngành Kiến trúc cảnh quan.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023, trường tiếp tục mở đào tạo ngành Kỹ thuật điện theo Quyết định số 421/QĐ-ĐHXDHN do trường tự chủ mở ngành.
Năm 2023, trường giữ nguyên mức chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2022 là 3.900.
Chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mở đào tạo theo đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022.
Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành học của trường tăng rõ rệt. Năm 2021, ngành Kinh tế xây dựng tuyển sinh 400 chỉ tiêu, đến năm 2022 trường tuyển 450 chỉ tiêu và năm 2023 cũng là 450 chỉ tiêu.
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 125 người, tăng 25 chỉ tiêu so với năm 2021. Đến năm 2023, chỉ tiêu của ngành này là 150 người, tăng 25 chỉ tiêu (so với năm 2022).
Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Quản lý xây dựng, chuyên ngành Kinh tế và Quản lý bất động sản là 85 chỉ tiêu, tăng 35 người so với năm 2021 (tổng là 50 chỉ tiêu). Theo đề án tuyển sinh năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này tiếp tục tăng 25 người, nâng tổng số chỉ tiêu là 100.
Một số ngành có chỉ tiêu tuyển sinh thấp là ngành Kiến trúc, chuyên ngành Kiến trúc công nghệ; ngành Kiến trúc cảnh quan, ngành Quy hoạch vùng đô thị với chỉ tiêu tuyển sinh là 50 người.
Ngoài ra, năm 2023, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng và ngành Khoa học máy tính cho chương trình đào tạo liên kết với Đại học Mississippi (Hoa Kỳ) là 25 chỉ tiêu cho mỗi ngành, tăng 13 chỉ tiêu so với năm 2022 (tổng là 12 chỉ tiêu).
Mặt khác, theo đề án tuyển sinh 2 năm gần đây (năm 2022 và năm 2023), quy mô đào tạo của trường tăng nhẹ. Theo đó, tại đề án tuyển sinh đại học năm 2023 tính đến ngày 31/12/2022, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy là 18.862 sinh viên, tăng 7,3% so với số liệu công bố tại đề án tuyển sinh năm 2022, tính đến ngày 10/5/2022 (tổng là 17.569 sinh viên).
Quy mô đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học giảm, năm 2022 là 449 người, giảm xuống còn 430 người (năm 2023).
Theo thống kê, số sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có biến động nhẹ.
Số sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong 3 năm học gần nhất theo đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022.
Từ bảng số liệu cho thấy, 2 năm liên tục số sinh viên trúng tuyển nhập học cao hơn số chỉ tiêu được phê duyệt. Cụ thể, năm 2020 là 164, năm 2021 là 431. Nhưng đến năm 2022, số sinh viên nhập học thấp hơn chỉ tiêu được phê duyệt là 276.
Một số ngành học có số sinh viên trúng tuyển nhập học vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Một số ngành của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vượt chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022.
Thống kê một số ngành có sinh viên trúng tuyển nhập học không đạt so với chỉ tiêu được duyệt.
Một số ngành chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội theo đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Để đạt chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt, trường có kế hoạch tuyển dư từ 5% - 7% chỉ tiêu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều sinh viên thay vì quyết định đi du học đã lựa chọn nhập học tại trường. Do vậy, năm 2020 và năm 2021, trường đã vượt chỉ tiêu tuyển sinh sau khi sinh viên trúng tuyển nhập học, bao gồm cả sinh viên nằm trong tỷ lệ tuyển dư của trường.
Ngoài ra, năng lực đào tạo thực tế của trường là 4.500 sinh viên nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường dao động từ 3.600 - 3.700. Vì vậy khi vượt chỉ tiêu tuyển sinh, trường vẫn đảm bảo chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Anh, vấn đề vượt chỉ tiêu, trường đã trao đổi và báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo và có quyết định xử lý 70 trường vượt chỉ tiêu trong đó có Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
“Bên cạnh đó, năm 2022, trường tuyển không đủ chỉ tiêu được duyệt. Chi phí đào tạo của trường sẽ nhiều hơn, trong khi mức thu chỉ bằng một nửa, do vậy trường gặp tình trạng khó khăn. Và không chỉ riêng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội gặp tình trạng này mà nhiều trường đại học đều gặp phải. Có thể nói, đây là hiện tượng xã hội.
Nhận thấy, một số ngành không tuyển đủ chỉ tiêu đều là ngành mà xã hội đang cần nhưng về phía người học, các em có những lựa chọn khác phù hợp với định hướng của bản thân. Vì vậy, định nghĩa về “ngành hot” và “ngành không hot” mới xuất hiện”, thầy Xuân Anh nói.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt từ 86%
Ghi nhận đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022, sinh viên đại học chính quy có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của trường đạt tỷ lệ cao, dao động từ 86% - 100% tùy theo từng ngành và lĩnh vực đào tạo.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội theo đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022.
Như vậy, một số ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2023 tăng so với năm 2022 là ngành Công nghệ thông tin tăng 3,6%; ngành Kỹ thuật cơ khí tăng 6,78%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường năm 2023 giảm 9,83%; ngành Kỹ thuật trắc địa – bản đồ năm 2023 giảm 5%. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Quản lý xây dựng, Kinh tế xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông,… đều có xu hướng giảm.
Riêng ngành Kỹ thuật xây dựng công trình biển 2 năm liên tiếp đều có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 100%.
Theo tìm hiểu trên website, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội công bố báo cáo 3 công khai của năm học 2022-2023.
Ghi nhận báo cáo về công khai tài chính, tổng nguồn thu của trường là 400,24 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách nhà nước là 60 tỷ đồng (chiếm 15%); nguồn thu từ học phí là 278,9 tỷ đồng (chiếm 69,7%); nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 49,44 tỷ đồng (chiếm 12,3%) và nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác là 11,9 tỷ đồng (chiếm 3%).
Báo cáo về công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế, tổng số giảng viên cơ hữu của trường là 640 người. Cụ thể giảng viên có chức danh giáo sư là 6 người; giảng viên có chức danh phó giáo sư là 60 người; giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ là 255 người, chiếm 39,8%; giảng viên trình độ đào tạo thạc sĩ là 378 người, chiếm 59,1%; còn lại, giảng viên là cử nhân đại học là 7 người, chiếm 1,1%.
Và tại báo cáo công khai thông tin sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường có 1.842 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 0,11% sinh viên đạt loại xuất sắc; 2,78% sinh viên đạt loại giỏi; 37,52% sinh viên đạt loại khá. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường là 94,82%.
Bày tỏ quan điểm về việc thực hiện công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, thầy Xuân Anh cho hay: “Tôi cho rằng việc đăng công khai hoạt động của cơ sở giáo dục đại học trong 3 năm hay 5 năm đều là việc tốt. Xét về phía trường, thông tin hoạt động giáo dục luôn được thu thập đầy đủ, tuy nhiên nhà trường cũng cần thời gian để chuẩn bị đặc biệt là về mặt kỹ thuật”.
Theo Thảo Ly
Giáo dục Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC