Năm 2024, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) áp dụng 7 phương thức tuyển sinh. Đáng chú ý, trường dành tối đa 70% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.
Sáng nay (1.3), Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa ra dự kiến 7 phương thức tuyển sinh năm 2024.
Theo PGS-TS Huỳnh Khả Tú, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay nhà trường tuyển 23 ngành đào tạo ĐH chính quy (học 4 năm tại Việt Nam do Trường ĐH Quốc tế cấp bằng) và 20 chương trình đào tạo liên kết do trường ĐH đối tác nước ngoài (Mỹ, Anh, Úc, New Zealand) cấp bằng. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2024 của trường là 2.610 sinh viên, trong đó các ngành do trường cấp bằng với 1.970 chỉ tiêu và chương trình liên kết với 640 chỉ tiêu. Trong 7 phương thức xét tuyển được áp dụng, trường dành tối đa 70% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức 1 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, dự kiến 50-70% tổng chỉ tiêu.
Nguyên tắc xét tuyển dựa trên tổng điểm 3 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 theo tổ hợp xét tuyển do thí sinh đăng ký. Riêng đối với ngành ngôn ngữ Anh, điểm môn tiếng Anh sẽ nhân hệ số 2.
Đối với thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS Academic hoặc TOEFL iBT được quy đổi điểm trung bình môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển như sau:
Phương thức 2 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh năm 2024 của Bộ GD-ĐT (1% chỉ tiêu).
Phương thức 3 là ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024 (1% chỉ tiêu).
Đối tượng xét tuyển là thí sinh giỏi, tài năng trong học tập của các trường THPT; thí sinh giỏi năng khiếu trong các cuộc thi thể thao, nghệ thuật. Áp dụng cho các trường THPT bao gồm trường tiểu học-THCS-THPT, trường THCS-THPT và trường THPT, không bao gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thí sinh xét tuyển phương thức này cần được hiệu trưởng/ban giám hiệu trường THPT giới thiệu là học sinh giỏi, tài năng của trường đảm bảo các tiêu chí chính: Học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT, điểm trung bình cộng học lực 3 năm THPT thuộc nhóm 5 học sinh cao nhất trường. Tiêu chí kết hợp gồm: giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố giải nhất, nhì, ba (chọn giải thưởng cao nhất đạt được ở THPT); các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, năng khiếu trong các cuộc thi thể dục thể thao, nghệ thuật và rèn luyện trong quá trình học THPT. Hội đồng tuyển sinh xem xét bổ sung thêm tiêu chí phù hợp trong quá trình xét tuyển.
Phương thức 4 là ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024 (5-15% chỉ tiêu).
Đối tượng xét tuyển là học sinh giỏi tốt nghiệp THPT 2024 của các trường trong danh sách do ĐH Quốc gia TP.HCM công bố.
Điều kiện đăng ký xét tuyển gồm: tốt nghiệp THPT năm 2024; đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 3 năm học lớp 10, lớp 11 và lớp 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; có hạnh kiểm tốt trong năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12.
Nguyên tắc xét tuyển: xét điểm trung bình 3 năm học THPT (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của tổ hợp xét tuyển do thí sinh đăng ký. Riêng đối với ngành ngôn ngữ Anh thì điểm môn tiếng Anh sẽ nhân hệ số 2. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các ngành của trường. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Đối với thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có chứng chỉ IELTS Academic hoặc TOEFL iBT thì được quy đổi điểm trung bình môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển theo quy định trên. Trường hợp nhiều thí sinh có cùng mức điểm xét tuyển, trường sẽ xét tiêu chí phụ là điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS (≥ 6.0) hoặc TOEFL iBT (60-78).
Phương thức 5 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024 (10-45% chỉ tiêu). Nguyên tắc xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu từng ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Phương thức 6 là xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài hoặc thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế (5-10% chỉ tiêu).
Đối tượng xét tuyển gồm: thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam, đã tốt nghiệp THPT do nước ngoài cấp bằng tại Việt Nam hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài theo quy định; có điểm trung bình học tập (GPA) của 3 năm học từ loại khá trở lên.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế như: SAT - Scholastic Assessment Test; ACT - American College Testing; IB - International Baccalaureate; A-Level - Cambridge International Examinations A-Level; ATAR - Australian Tertiary Admission Rank… Điểm tối thiểu được quy định như sau:
Xét tuyển chương trình liên kết bằng hình thức phỏng vấn đối tượng xét tuyển phù hợp.
Phương thức 7 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (phương thức này chỉ áp dụng cho các chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài, 15% chỉ tiêu ngành).
Đối tượng xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2022, 2023 và dự kiến tốt nghiệp THPT năm 2024.
Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình của 3 môn của 3 năm học THPT theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có). Riêng đối với ngành ngôn ngữ Anh thì điểm môn tiếng Anh sẽ nhân hệ số 2. Trường hợp nhiều thí sinh có cùng mức điểm xét tuyển, trường sẽ xét tiêu chí phụ là điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS (≥ 6.0) hoặc TOEFL iBT (60-78).
Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng xét tuyển và chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất. Đối với thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có chứng chỉ IELTS Academic hoặc TOEFL iBT thì được quy đổi điểm theo quy định trên.
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC