Điểm tốt nghiệp THPT địa phương tăng, giảm thứ hạng do tổ hợp môn

Thứ bảy - 20/07/2024 12:20:43


Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục 2006. Theo đó, trung bình điểm thi năm nay cao hơn năm trước.

Tăng số địa phương có trung bình điểm thi trên 7

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, trung bình điểm thi năm 2024 toàn quốc đạt 6,682, tăng 0,22 điểm so với năm 2023 (6,462 điểm).

Năm 2024 số địa phương có trung bình điểm thi đạt từ 7 tăng lên, từ 4 địa phương năm 2023 (Vĩnh Phúc, Bình Dương, Nam Định và Ninh Bình) tăng lên 10 địa phương năm 2024 (Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nam và An Giang).

Số địa phương đạt điểm trung bình từ 6,5 điểm đến dưới 7 điểm tăng từ 23 địa phương năm 2023 lên 35 địa phương năm 2024.

Trong khi số địa phương có trung bình điểm thi dưới 6,5 đã giảm từ 36 năm 2023 xuống còn 18 vào năm 2024.

10 địa phương top đầu vẫn giữ ổn định như năm 2023

Năm 2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT giữ ổn định như năm 2023. Tiếp tục đổi mới công tác ra đề thi. Đề thi cơ bản với 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, phù hợp với các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

ĐIỂM


Những điều này đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục, mà còn có kỹ năng tư duy, sáng tạo trong học và thi. Đội ngũ thầy cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải bắt kịp với đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực. Điều quan trọng là học và thi nghiêm túc. Đây chính là lợi thế của những địa phương có truyền thống giáo dục chất lượng tốt nhiều năm. Chính vì vậy, 10 địa phương top đầu năm 2024 không thay đổi so với năm 2023, chỉ thay đổi vị thứ. Có 3 địa phương giữ nguyên hạng là Vĩnh Phúc xếp thứ 1, Bắc Ninh xếp thứ 5 và Phú Thọ xếp thứ 8 hai năm liền. Ba địa phương tăng hạng, gồm Hà Tĩnh (năm 2023 xếp thứ 10 - năm 2024 xếp thứ 6), Ninh Bình (4 - 3), Nam Định (3 - 2). Ba địa phương tụt hạng là Bình Dương (2 - 4), Hà Nam (7 - 9), Hải Phòng (6 - 7), An Giang (9 - 10).

Miền Trung có 4 địa phương thuộc top cuối

Năm 2023, có 10 địa phương trong top cuối theo trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó, vùng miền núi phía bắc có 6 địa phương (Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang), Tây nguyên có 2 địa phương (Đắk Nông, Đắk Lắk), đồng bằng sông Cửu Long có 1 địa phương (Trà Vinh) và miền Trung có 1 (Ninh Thuận). Năm 2024, miền núi phía bắc giảm 2 địa phương, đồng bằng sông Cửu Long không có và Tây nguyên có 2 địa phương như cũ, nhưng miền Trung tăng lên 4 địa phương, trong đó có 3 địa phương mới rơi vào top cuối này là Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Trị.

Theo nhận định của một số chuyên gia giáo dục, các địa phương trong top cuối, tập trung ở các tỉnh miền núi phía bắc, Tây nguyên và các tỉnh miền Trung có nhiều huyện miền núi, nhiều học sinh dân tộc thiểu số. Các địa phương này khó khăn về dạy và học, đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, một số địa phương duy trì tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức xét tuyển quá dài (Quảng Nam 11 năm, Đắk Lắk 10 năm) hoặc tỷ lệ học sinh sau THCS vào học THPT quá lớn như Quảng Trị, có nhiều năm tỷ lệ này trên 90%. Dẫn đến nhiều học sinh yếu (đáng lẽ phân luồng vào trường nghề) lại vào học THPT.

điểm2


Địa phương tăng hạng có thí sinh đăng ký tổ hợp KHXH cao ?

Kết quả kỳ thi năm 2024 có 8 địa phương tăng hạng từ 5 bậc trở lên. Cụ thể Trà Vinh tăng 22 bậc (từ hạng 60 năm 2023 - lên 38 năm 2024), Nghệ An tăng 10 bậc (22 - 12), Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 10 bậc (27 - 17), Thái Nguyên tăng 8 bậc (45 - 37), Tuyên Quang tăng 7 bậc (21 - 14), 3 địa phương cùng tăng 5 bậc gồm Bình Phước (32 - 27), Hòa Bình (41 - 36), Yên Bái (48 - 43). Những địa phương này có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là Trà Vinh, Nghệ An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài ra, những địa phương này tỷ lệ chọn tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) cao như Trà Vinh (75,8%), Nghệ An (70%)… Theo kết quả công bố, điểm thi của thí sinh (TS) chọn tổ hợp KHXH cao hơn TS chọn khoa học tự nhiên (KHTN). Bằng chứng là, trong top 200 TS có điểm thi cao nhất năm 2024, có 195 TS thuộc tổ hợp KHXH (chiếm 97,5%) và 5 TS thuộc KHTN (2,5%). Đây là điều không công bằng giữa TS chọn 2 tổ hợp khác nhau.

Cũng trong kỳ thi này, có 11 địa phương giảm hạng từ 5 bậc trở lên. Cụ thể như sau: TP.HCM giảm 9 bậc (11 - 20), 3 địa phương cùng giảm 8 bậc Quảng Nam (47 - 55), Cà Mau (42 - 50), Tây Ninh (34 - 42), 3 địa phương giảm 6 bậc gồm Hưng Yên (33 - 39), Lào Cai (28 - 34), Bến Tre (24 - 30), 4 địa phương giảm 5 bậc gồm: Quảng Trị (51 - 55), Đà Nẵng (40 - 45), Cần Thơ (19 - 24) và Lâm Đồng (18 - 23).

Lý giải cho vấn đề tụt hạng này, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp KHTN chiếm ưu thế lên tới 60,85% so với tổ hợp KHXH. Ngoài nguyên nhân trên, một số địa phương do đầu vào THPT thấp nhiều năm. Một số địa phương có tỷ lệ trúng tuyển ĐH năm 2023 cao như Đà Nẵng (72%), Hưng Yên (63,3%) đã làm tăng sự chủ quan của học sinh, vì vào ĐH quá dễ dàng.

Các địa phương cần phân tích, đối sánh kết quả thi tốt nghiệp năm 2024 và cả 5 năm, từ 2020 - 2024. Từ đó, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế để khắc phục, nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần tìm ra giải pháp để cân bằng độ khó đề thi giữa các môn.

(*) Mời các bạn xem VTV tư vấn chọn ngành học, chọn trường phù hợp tại đây!

Theo Hồ Sỹ Anh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây