Đề thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM sẽ ra theo hướng nào?

Thứ tư - 10/05/2023 06:43:28


Một trong những quan tâm hàng đầu của học sinh chuẩn bị thi lớp 10 trong tháng 6 tới là đề thi sẽ ra theo hướng nào.

Đề thi tuyển sinh lớp


Đề môn ngữ văn sẽ có "độ mở" cao

Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM, các văn bản được chọn làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu có thể sẽ là văn bản nghị luận, thông tin, văn học, khoa học... Các câu hỏi ở phần này sẽ được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Phần nghị luận xã hội sẽ yêu cầu thí sinh (TS) tạo lập văn bản có độ dài khoảng 500 chữ và đảm bảo cấu trúc bài nghị luận với đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

Phần nghị luận văn học sẽ có 2 đề để TS lựa chọn. Trong đó đề 1 sẽ yêu cầu TS tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề của đề đưa ra, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Còn đề 2 sẽ là một tình huống cụ thể và yêu cầu TS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

Chuyên viên Trần Tiến Thành cho hay định hướng đề thi tuyển sinh môn ngữ văn năm nay sẽ có "độ mở" cao. Vì vây, TS cần tập trung rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.

Thời điểm này, theo ông Thành, HS lớp 9 nên lựa chọn các văn bản (báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học…) có nội phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự để luyện tập các kỹ năng đọc hiểu.

Những lưu ý để không bị mất 3 điểm môn toán

Thông tin về đề thi môn toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay đề thi có 70% kiến thức nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao.

Cụ thể, đề gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và một câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1-2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.

Giáo viên Nguyễn Tiến Thùy, Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), có những lưu ý với TS về các bài toán thực tế. Cụ thể, các bài toán thực tế thường có nội dung dài, có các yếu tố gây nhiễu, không liên quan đến yêu cầu của đề. Nếu TS không có kỹ năng đọc đề thì sẽ bị mất thời gian vào các yếu tố gây nhiễu, không xác định được chính xác vấn đề đề yêu cầu. Vì vậy, trong quá trình học và ôn, HS cần tiếp xúc với nhiều dạng đề để tránh áp lực tâm lý khi nhận đề trong phòng thi. Khi làm bài, cần xác định đề cho yếu tố nào, cần tính yếu tố nào, xác định được phương pháp giải…

Riêng câu số 8 về hình học phẳng, để giải được, cô Tiến Thùy lưu ý HS cần có kỹ năng vẽ đúng hình, nắm vững kiến thức về định lý, tính chất để chứng minh các bài toán về đường tròn. Đặc biệt, đối với câu hỏi về hình học phẳng cần lưu ý nếu vẽ sai hình thì bài sẽ không được chấm, như vậy các em sẽ mất 3 điểm của bài này.

Đề tiếng Anh nghiêng về kỹ năng, từ vựng

Với môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin đề thi gồm 40 câu (0,25 điểm/câu) với thời gian làm bài thi 90 phút. Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10 - 15%.

Chuyên viên phụ trách môn thi này nhấn mạnh đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, từ vựng. Vì vậy, HS không nên ôm đồm quá nhiều ngữ pháp mà nên rèn làm các dạng bài để hình thành kỹ năng, đọc nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng.

Giáo viên Nguyễn Thị Bích Chi, Trường THCS Vân Đồn (Q.4), hướng dẫn để nắm được vốn từ vựng, HS cần phải rèn luyện thói quen học từ, ôn thường xuyên, làm bài tập ứng dụng từ vựng đó. Ngoài ra các em có thể đọc thêm sách báo, truyện bằng tiếng Anh, phân loại theo danh từ, trạng từ, tính từ, là các từ vựng trong sách giáo khoa… Khi làm bài thi, các em cần đọc thật kỹ đề, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó vì các câu đều có số điểm như nhau. 

 

Theo Bích Thanh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây