Vị trí việc làm ngành Môi trường đang nhận về nhiều sự quan tâm của các thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng như hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về vấn đề môi trường, đòi hỏi sự vào cuộc các chuyên gia lành nghề. Từ đó, sinh viên ngành Môi trường có thêm nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.
Dưới đây là một số vị trí việc làm dành cho sinh viên ngành Môi trường, bạn có thể tham khảo thêm để đưa ra cho bản thân lựa chọn phù hợp.
Kỹ sư môi trường
Công việc của kỹ sư môi trường phải kết hợp kiến thức đa ngành về khoa học, kỹ thuật và quản lý. Đặc trưng nghề nghiệp của họ gồm: làm việc lâu dài trong phòng thí nghiệm và tham gia thu gom và xử lý chất thải. Do vậy, các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu ứng viên phải có sức khỏe tốt, tinh thần trách nhiệm cao, chịu được áp lực lớn.
Cụ thể, những người làm kỹ sư môi trường sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xử lý ô nhiễm; nghiên cứu công nghệ và kỹ thuật mới để bảo vệ môi trường; tham gia thiết kế quy trình chăm sóc môi trường, xử lý chất thải; khảo sát môi trường để đưa ra thống kê ô nhiễm chi tiết; nghiên cứu các chỉ tiêu về môi trường: chỉ tiêu về ô nhiễm không khí, chỉ tiêu nước sạch.
Hiện mức lương của kỹ sư môi trường dao động từ 9 đến 15 triệu đồng/tháng. Với những người làm việc lâu năm trong lĩnh vực này và có chuyên môn cứng, mức lương hàng tháng nhận về có thể lên đến 45 triệu đồng.
Nhà sinh thái môi trường
Nhà sinh thái môi trường có nhiệm vụ nghiên cứu về các hệ sinh thái, có thể là thực vật hay động vật sống trong môi trường hoang dã.
Cụ thể, họ sẽ phải thực hiện các công việc như: nghiên cứu sự hình thành của các quần thể thiên nhiên, nghiên cứu đặc điểm cấu trúc của các giống loài sinh vật, nghiên cứu các đặc điểm môi trường khác nhau và mức độ ảnh hưởng của chúng đến đời sống.
Nhà khoa học môi trường
Các nhà khoa học môi trường sẽ làm việc trong Viện nghiên cứu, nhà máy và công ty môi trường. Họ có nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu và quan sát chất lượng môi trường. Từ đó đảm bảo tiêu chuẩn về xử lý nước thải, rác thải trong sản xuất để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Công việc cụ thể của nhà khoa học môi trường gồm nghiên cứu thành phần tự nhiên trong môi trường: đất, đá, nước; nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh hoạt dân cư và môi trường, quan sát tác động qua lại; tư vấn cho cấp trên về chính sách môi trường phù hợp để khai thác tài nguyên hợp lý nhất; nghiên cứu công cụ quản lý môi trường phù hợp, nhất là đáp ứng yêu cầu kinh tế và luật pháp.
Mức lương với nhà khoa học môi trường chưa có kinh nghiệm dao động trong khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng; với ứng viên đã có 2 - 3 năm kinh nghiệm mức lương dao động 8 - 10 triệu đồng/tháng, với người lao động từ 4 - 5 năm kinh nghiệm thì mức lương tối thiểu 13 triệu đồng/tháng.
Trên đây là ba vị trí công việc hot nhất dành cho sinh viên ngành Môi trường. Nếu đam mê ngành học này, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh và mức điểm chuẩn trong năm 2023 của một số trường như:
- Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường lấy mức điểm chuẩn các ngành học liên quan đến lĩnh vực môi trường dao động từ 15 - 22 điểm.
- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có mức điểm chuẩn dao động từ 20 - 24,05 điểm.
- Trường Đại học Mỏ - Địa chất lấy mức điểm chuẩn nhóm ngành Môi trường từ 15,5 - 19,5 điểm.
- Trường Đại học Tôn Đức Thắng quy định mức điểm chuẩn trúng tuyển các ngành học thuộc lĩnh vực môi trường từ 22 - 28,2 điểm.
- Trường Đại học Cần Thơ có mức điểm chuẩn từ 19,8 - 22,05 điểm.
Theo Anh Anh
VTC News
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC