Ngành An ninh mạng đang được nhiều trường đại học ở nước ta đào tạo, đi kèm với đó là cơ hội việc làm cao dành cho sinh viên.
Khi có ý định theo học ngành An ninh mạng, bạn nên cân nhắc lựa chọn chương trình học chú trọng thực hành và trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp ngay từ năm đầu tiên. Từ đó, sau khi tốt nghiệp bạn vừa có kỹ năng, vừa có kinh nghiệm cọ xát thực tế.
Dưới đây là 5 vị trí công việc mức lương hấp dẫn trong ngành An ninh mạng, sinh viên có thể tham khảo thêm để lựa chọn được hướng đi phù hợp với bản thân.
Kỹ sư an ninh mạng
Kỹ sư an ninh mạng là chuyên gia bảo vệ mạng của người dùng khỏi các lỗi hiện có và mối đe dọa trong tương lai.
Nhiệm vụ của kỹ sư an ninh mạng gồm: Duy trì mạng LAN, WAN và kiến trúc máy chủ; Giải quyết các vấn đề bảo mật hiện có; Tạo các chương trình phát hiện virus; Phát triển các tập lệnh theo dõi lỗi hổng hệ thống; Điều tra cảnh báo vi phạm an ninh; Duy trì mạng riêng ảo, tường lửa, bảo mật email.
Theo báo cáo của Công ty an ninh mạng Symatec tại Mỹ, mức lương khởi điểm của kỹ sư an ninh mạng dao động từ 12 - 17 triệu đồng/tháng, mức lương dành cho kỹ sư lành nghề tại các tập đoàn lớn lên tới 20 triệu đồng/tháng.
Quản lý an ninh thông tin
Quản lý An ninh thông tin là công việc chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai hệ thống bảo mật nhằm bảo vệ mạng máy tính của tổ chức hoặc công ty khỏi các cuộc tấn công mạng, giúp thiết lập tiêu chuẩn bảo mật.
Nhiệm vụ hàng ngày của người quản lý bảo mật thông tin bao gồm: Đánh giá các biện pháp an ninh của một tổ chức; Phân tích báo cáo được tạo ra bởi hệ thống giám sát; Quản lý hệ thống sao lưu và bảo mật; Chăm sóc phục hồi dữ liệu trong các tình huống khẩn cấp; Giám sát các cuộc điều tra vi phạm an ninh.
Với sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, khi làm ở vị trí nhân viên quản lí an ninh thông tin có thể nhận được mức lương từ từ 6 - 10 triệu/tháng. Với những vị trí cao hơn như là chuyên viên, trưởng phòng,… bạn có thể nhận được mức lương 15 - 25 triệu/tháng.
Kỹ sư điện toán đám mây
Kỹ sư điện toán đám mây chịu trách nhiệm thực hiện mọi nhiệm vụ kỹ thuật liên quan đến điện toán đám mây, bao gồm: lập kế hoạch, quản lý, thiết kế, bảo trì và hỗ trợ. Tức là người làm việc trong vị trí này phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến điện toán đám mây và bảo mật trong một công ty.
Báo cáo của Công ty tuyển dụng Topdev chỉ ra, một lập trình viên có ba năm kinh nghiệm làm việc trong mảng điện toán điện toán đám mây có thể nhận mức lương từ 38 - 55 triệu đồng/tháng.
Với các vị trí chuyên môn cao hơn như kiến trúc sư điện toán đám mây, mức lương có thể lên tới 80 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa bao gồm các đãi ngộ, phúc lợi khác như thưởng dự án, trợ cấp, làm thêm giờ.
Kiến trúc sư bảo mật an ninh mạng
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, thị trường việc làm trong ngành An ninh mạng sẽ tăng 31% cho đến năm 2029. Thị trường này cũng bao gồm vị trí kiến trúc sư bảo mật an ninh mạng. Dựa trên những số liệu thống kê này, vị trí kiến trúc sư bảo mật an ninh mạng được xem là một trong những ngành nghề phát triển nhanh nhất.
Bản chất phức tạp của công việc và yêu cầu phải trực 24/7 khi sự cố phát sinh, nên kiến trúc sư bảo mật an ninh mạng sẽ được hưởng mức lương xứng đáng. Thông thường, mức lương của họ dao động từ 50 - 150 nghìn USD/năm (theo mức lương nước ngoài). Còn ở Việt Nam, mức lương có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng, đối với người có nhiều kinh nghiệm.
Người kiểm tra thâm nhập
Người kiểm tra thâm nhập còn được gọi là hacker đạo đức, nhiệm vụ đảm bảo rằng những người không được phép sẽ không thể truy cập dữ liệu của các tổ chức. Những chuyên gia này còn giúp phát hiện lỗi và lỗ hổng bảo mật liên quan đến tài sản kỹ thuật số.
Với tư cách là người kiểm tra thâm nhập, mức lương của bạn được lên đến 57 nghìn USD/năm, nếu làm việc tại các công ty nước ngoài.
Thí sinh có thể tham khảo thông tin các trường đại học đào tạo ngành An ninh mạng như: Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân...
Theo Anh Anh
VTC News
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC