Tuyển sinh 2024: Bảo đảm chất lượng và công bằng

Thứ ba - 05/03/2024 18:24:40


Hiện có hơn 40 cơ sở giáo dục đại học công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2024.

Tuyển sinh


Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, dù tuyển sinh bằng phương thức nào thì quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng và công bằng giữa các thí sinh.

Công bố sớm chủ trương, kế hoạch tuyển sinh

- Bà nhìn nhận như thế nào khi mới tháng 1 nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024?

- Qua quan sát cho thấy, nhiều trường đã “khởi động” mùa tuyển sinh năm 2024 bằng việc công bố đề án tuyển sinh hoặc thông tin về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển. Thời điểm này cũng không gọi là sớm, bởi tuyển sinh là công việc quan trọng của cơ sở giáo dục đại học. Giống như các trường ở nước ngoài, tuyển sinh được triển khai trong toàn năm học chứ không nhất thiết ở một thời điểm nào.

Qua ghi nhận, đề án tuyển sinh năm 2024 của các cơ sở giáo dục đại học có điều chỉnh so với năm trước. Điều này cho thấy, các trường nhạy bén, bám sát yêu cầu phát triển nhân lực quốc gia. Theo đó, nhiều trường đã và sẽ mở ngành/ chương trình đào tạo liên quan tới thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Một số cơ sở bắt đầu mở và triển khai đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…

Về cơ bản, Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành giáo dục mầm non năm 2024 của Bộ GD&ĐT giữ ổn định như năm trước. Trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc, nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Đây là căn cứ quan trọng, thuận lợi cho thí sinh và cơ sở giáo dục, đào tạo khi thực hiện công tác tuyển sinh, hướng nghiệp.

Từ phân tích nêu trên và thực tiễn cho thấy, các trường đại học công bố đề án tuyển sinh năm 2024 sớm hơn so với mọi năm là việc nên làm và chúng tôi khuyến khích điều này. Qua đó, giúp thí sinh có thêm thời gian nghiên cứu và chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Theo tôi, việc truyền thông, thông tin tới thí sinh về đề án tuyển sinh, ngành đào tạo mới, phương thức tuyển sinh… rất quan trọng. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học cần có sự giúp sức của nhiều kênh, các bên liên quan để thông tin nhanh, chính xác và minh bạch về chủ trương, kế hoạch tuyển sinh của trường mình.

Công bằng với thí sinh

- Theo đề án tuyển sinh, nhiều trường dành chỉ tiêu đáng kể cho phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Với phương thức này liệu có bảo đảm công bằng với thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác?

- Xét tuyển bằng học bạ THPT là chúng ta đang nói kết quả học tập của học sinh trong 3 năm học THPT. Kết quả này được đánh giá cả quá trình học tập chứ không căn cứ vào 1 - 2 đợt kiểm tra. Đây cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức và triển vọng tiếp tục học tập của các em ở bậc học cao hơn. Chắc chắn còn nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT.

Quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó, các trường cần có phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Vừa qua, nhiều trường đại học đã công bố một số phân tích đối sánh, tương quan để xem xét các phương thức tuyển sinh. Ví dụ: Xét tuyển bằng học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT… Qua đó đánh giá tương quan với kết quả học tập của sinh viên khi vào học ở trình độ đại học. Kết quả phân tích này dẫn tới việc các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức… hợp lý, khoa học và có căn cứ.

Dù tuyển sinh bằng phương thức nào thì quan trọng nhất là đảm bảo được chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời đảm bảo công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển. Đối với cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, việc thí sinh đạt ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ THPT) là có thể vào học được. Các em không gặp phải khó khăn gì khi theo học.

Đối với các trường đại học, ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao cần có sự đối sánh công bằng. Theo đó, các trường, ngành đào tạo cần mặt bằng chung tin cậy để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần một kỳ thi tuyển sinh riêng như: Đánh giá tư duy, năng lực… Với trường đào tạo các ngành đặc thù cần có kỳ thi năng khiếu riêng…

Tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển

- Ở thời điểm này, bà lưu ý gì với cơ sở giáo dục đại học và thí sinh?

- Dù xét tuyển theo phương thức nào, cách đánh giá ra sao cũng dựa trên tiêu chí, yêu cầu về kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi, khả năng học tập của người học. Đó là những năng lực cần thiết cho các ngành, chương trình đào tạo. Việc này được định hướng, lựa chọn từ sớm khi các em vào học THPT, chứ không phải xác định trong thời gian ngắn.

Từ nhiều năm nay, các thí sinh có năng lực học tập tốt dù đánh giá theo cách nào đều không đáng lo ngại và băn khoăn. Các em được đánh giá đúng năng lực, phù hợp với yêu cầu của trường và ngành đào tạo. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý, cần xem xét nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đã công bố. Thực chất, thí sinh có thời gian khá dài để chuẩn bị chứ không phải chờ đến học kỳ cuối cùng năm lớp 12 mới bắt đầu.

Năm 2024, hầu hết cơ sở đào tạo giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm trước. Tuy nhiên, nhiều trường có thể thay đổi số lượng chỉ tiêu dành cho từng phương thức nhất định. Do đó, thí sinh nghiên cứu kỹ thông tin này để đăng ký xét tuyển phù hợp.

Việc cần làm lúc này là, thí sinh tập trung học tập, chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là điều kiện cần để các em có “tấm vé” vào học bậc đại học. Bên cạnh đó, thí sinh chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển mà nhận thấy mình có lợi thế, hoặc đã nghiên cứu theo đuổi từ trước. Các em cần chuẩn bị đúng hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố (nhất là với trường tổ chức xét tuyển sớm).

Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển sớm. Theo tôi, đối với những trường quan tâm đến chất lượng và sự công bằng với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả nhiều lắm, mà khó đảm bảo sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể bỏ lỡ thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

Các trường cần ưu tiên phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào. Từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh và phù hợp với các đặc trưng riêng. Đặc biệt, các trường nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối với thí sinh.

- Nhiều năm gần đây, hầu hết cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức xét tuyển sớm. Vậy, bà nhắn nhủ gì với các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này?

- Dù thí sinh tham gia xét tuyển sớm và có kết quả trúng tuyển thì vẫn cần đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Khi đó, nguyện vọng đã trúng tuyển sớm mới có giá trị xét tuyển cuối cùng. Nguyên tắc trong xét tuyển là, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh. Theo đó, các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.

Thí sinh không cần đăng ký phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Các em chỉ cần chọn ngành/ trường xét tuyển để đăng ký. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ sắp xếp các nguyện vọng và sử dụng các kết quả, dữ liệu có thể dùng để xét tuyển đã được cung cấp. Mục đích là thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên nhất trong số các nguyện vọng các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Để tránh rủi ro, thí sinh không nên tập trung các nguyện vọng vào một số ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh cao. Theo đó, cách đơn giản và tốt, hiệu quả nhất là sắp xếp ưu tiên các nguyện vọng vào trường/ ngành mà mình yêu thích, đam mê, có sở trường, năng lực nhất lên trên. Lưu ý, nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất và khi lọc ảo, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Đây chính là tính ưu việt của Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung. Vì thế, thí sinh cần sắp xếp thứ tự phù hợp với mong muốn của bản thân.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Theo Hải Minh
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây