Nhiều ngành học gắn với lĩnh vực 'hot' logistics

Chủ nhật - 03/03/2024 08:56:20


Với lợi thế là nơi giao thoa của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, gần sân bay quốc tế Long Thành..., tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang cần nguồn nhân lực lớn về logistics và nhiều lĩnh vực liên quan.

nhiều ngành học


Vậy bên cạnh ngành logistics, còn ngành học nào khác có cơ hội việc làm lớn tại địa phương?

Những thắc mắc trên đã được giải đáp bởi các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức vào sáng 2.3 tại Trường THPT Vũng Tàu, với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh (HS).

Phát huy lợi thế của thành phố biển

Có mặt tại chương trình, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định: "Vũng Tàu là khu vực có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, đó là có biển, gần sân bay quốc tế Long Thành, là nơi giao thoa của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Vì thế phát triển nhân lực lĩnh vực logistics là rất hợp xu thế với nhiều công việc về quản lý dịch vụ, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng tàu hàng hải, kho vận...".

Theo tiến sĩ Nhân, không phải chỉ học ngành logistics mà rất nhiều ngành khác đều có thể làm việc trong chuỗi dịch vụ logistics như cơ khí, ô tô, tự động hóa, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán... "Các em học ĐH hay CĐ đều được vì có rất nhiều vị trí việc làm và các khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang cần nguồn nhân lực lớn", tiến sĩ Nhân chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho hay hiện nay nhu cầu lĩnh vực logistics rất cao nhưng nguồn cung còn hạn chế. "Đây cũng chính là cơ hội để các em có thể lựa chọn ngành logistics hoặc kinh doanh quốc tế, giao nhận, xuất nhập khẩu, chế biến... để về làm việc tại thị trường lao động rộng mở của địa phương", tiến sĩ Đạo cho hay.

Nhấn mạnh đến các tố chất thành công trong lĩnh vực logistics, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng ngoài chuyên môn về logistics, nhân lực làm trong lĩnh vực này phải giỏi ngoại ngữ, kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề...

Nhiều cơ hội khi học ngành mới

Một HS lớp 12A4 bày tỏ thích học ngành môi trường nhưng không biết khi trở về địa phương thì có tìm được việc làm phù hợp để phát triển hay không. Tiến sĩ Trần Ký, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, thông tin: "Trước thực trạng thế giới đang ngày càng cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu, Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM đã đào tạo nhiều ngành để giải quyết các vấn đề này như biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, quản lý môi trường... Ngoài ra, năm nay trường mở một số ngành học mới như quản lý đô thị, công nghệ vật liệu".

Trong khi đó, năm 2024 Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn mở 4 ngành học mới, ngoài cơ hội việc làm lớn sinh viên còn có cơ hội chuyển tiếp du học tại các nước châu Á, châu Âu, Mỹ. Đó là các ngành công nghệ giáo dục, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện và công nghệ thông tin chuyên ngành thiết kế vi mạch.

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây