Những kiểu gia đình dễ khiến trẻ trầm cảm

Thứ hai - 14/06/2021 07:39:31
Nhiều cha mẹ luôn phủ nhận việc cố gắng và đánh giá thấp con cái. Sự thờ ơ với cảm xúc của trẻ hoặc kỳ vọng quá cao có thể đẩy trẻ rơi vào trầm cảm.
 
Những kiểu

Nghiên cứu của Hiệp hội Gia đình Trung Quốc với 2.679 trẻ từ 10-15 tuổi tại 25 tỉnh, thành ở quốc gia này cho thấy cứ 5 trẻ thì 1 trẻ có dấu hiệu trầm cảm. Đặc biệt, trẻ em tại vùng nông thôn có nguy cơ trầm cảm cao hơn trẻ em thành thị do áp lực từ gia đình, theo NCBI.

China Maker Education Bluebook từng tiến hành khảo sát và đưa ra 7 lý do khiến trẻ em nghĩ đến cái chết, bao gồm: Xung đột gia đình (33%), áp lực học tập (26%), xung đột giáo viên - học sinh (16%) và các vấn đề tâm lý (10%), tranh chấp tình cảm (5%), bắt nạt học đường (4%), các vấn đề khác (6%).

Qua đó, có thể thấy gia đình có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và tâm lý của trẻ. 3 kiểu gia đình sau có thể khiến trẻ rơi vào trầm cảm, bất ổn.

1. Luôn phủ nhận và đánh giá thấp con cái

Một bác sĩ tâm lý ở Bắc Kinh, Trung Quốc kể lại: "Tôi từng bắt gặp một đứa trẻ bị trầm cảm đi khám bệnh. Trong lúc chờ, em mở sách ra đọc. Bác sĩ khen em chăm chỉ, nhưng cha mẹ cậu bé cắt ngang lời ông, cho rằng đứa con chỉ đang giả vờ.

Bác sĩ cho biết dù tâm lý trẻ không bình thường, cha mẹ cũng không nên dùng cách nói mỉa mai để giao tiếp với con. Bác sĩ cố gắng hàn gắn tâm lý cho trẻ, nhưng mọi nỗ lực của họ đều bị những lời nói gây sát thương của cha mẹ phá hủy.

"Nhiều cha mẹ không hiểu vì sao trẻ trầm cảm, không hiểu vì sao trẻ đòi chết. Cha mẹ là người yêu thương con, nhưng cũng có thể là người khiến trẻ tổn thương nhiều nhất", bác sĩ nói.

Một người Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội: "Hồi nhỏ, trên đường đi học không may bị ôtô đâm, tôi sẽ bị cha mẹ mắng là chậm chạp, thấy tai nạn mà không biết tránh. Nếu bị bạn trong lớp trấn lột tiền, tôi sẽ bị trách là thiếu trung thực, tiêu tiền bừa bãi rồi đổ cho người khác. Dù tôi bị đánh sưng trán, người bị mắng vẫn là tôi. Tại sao tôi không không bắt nạt người khác mà cha mẹ cứ bắt nạt tôi?"

Với trẻ em, lời đánh giá của cha mẹ là cách chúng cảm nhận giá trị của bản thân. Khi khó khăn, các em bị cha mẹ đổ lỗi. Khi thất bại, các em bị cha mẹ chế giễu. Về lâu dài, lời nói của cha mẹ khiến các em tổn thương, mất đi sự tự tin. Lòng tự trọng bị phá vỡ sẽ khiến các em rơi vào trạng thái bất ổn kéo dài.

2. Cha mẹ thờ ơ với cảm xúc của con

Bà Lý Mộng Lệ, Hiệu phó trường THCS 55 Bắc Kinh, từng kể một câu chuyện xảy ra tại trường. Một học sinh lớp 7 học lực giỏi nhiều năm đột nhiên sa sút không rõ lý do. Cô bé liên tục nói không muốn sống vì cảm thấy cuộc sống quá vô nghĩa.

"Không cần lo, con bé chỉ lười biếng không muốn đi học thôi", mẹ nữ sinh nói sau khi nghe giáo viên phản ánh.

Không lâu sau đó, nữ sinh được giáo viên đưa đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết cô bé mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng.

Thực tế hiện nay, nhiều cha mẹ khó khăn khi thừa nhận tình trạng tâm lý của con. Khi đối mặt với điều này, họ tỏ ra thờ ơ, thậm chí cho rằng những cảm xúc tiêu cực này là do trẻ tự gây ra, hoặc chỉ đơn giản là trẻ lười biếng nên kiếm cớ để thoái thác việc học.

"Tại sao phải khóc, nước mắt không giải quyết được gì cả", "sao phải sợ, con xem bạn bè con kia kìa", là những câu nói trẻ trầm cảm thường phải nghe từ cha mẹ.

Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, coi thường cảm xúc còn nghiêm trọng hơn bạo lực tinh thần. Lúc này, trẻ giống như đang sống trên một hòn đảo hoang, không ai nhìn thấy và không ai tôn trọng các em.

So với bạo lực, coi thường cảm xúc không gây tổn thương cơ thể, nhưng tinh thần các em bị hủy hoại một cách thô bạo.

3. Kỳ vọng con cái quá cao

Trong chương trình tạp kỹ "Thầy giáo xin hãy trả lời" của Trung Quốc, bé gái 6 tuổi Khả Hinh khiến nhiều người bất ngờ. Dù còn nhỏ, em đã phải sống theo sắp xếp của mẹ theo từng giờ, từng phút. Thậm chí, việc nghỉ ngơi, đọc sách cũng được mẹ lên lịch chuẩn từng giây. Đây cũng là lý do khiến cuộc sống của Khả Hinh gặp nhiều áp lực.

"Nếu kỳ vọng của cha mẹ quá cao, đứa trẻ sẽ kìm nén bản thân để làm hài lòng cha mẹ. Tuy nhiên, các em sẽ mất đi cuộc sống và cảm xúc thật của mình", người dẫn chương trình nói.

Nhà tâm lý học Hồ Trấn Chi nhận định: "Trầm cảm thường bắt nguồn từ sự mất mát. Trẻ càng cư xử đúng mực, cha mẹ càng không nên đặt ra những kỳ vọng không giới hạn. Trẻ càng nhạy cảm thì cha mẹ càng không được đòi hỏi sự hoàn hảo".

Nhiều đứa trẻ không thể từ chối cha mẹ, từ đó dẫn đến ức chế lâu dài. Vì thế, cha mẹ cần yêu thương và chấp nhận những khuyết điểm của con, không nên ép buộc con phải hoàn hảo.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xây dựng từ sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Cha mẹ không nên coi thường, chế nhạo hay ép buộc trẻ quá mức. Hãy để bản thân trở thành liều thuốc ấm áp nhất, thay vì là nguyên nhân khiến con trầm cảm.

 
Theo Minh Thúy
Zing

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây