Học phí ĐH có thể tăng đến 71%, cao nhất hơn 6 triệu/tháng

Thứ hai - 18/09/2023 17:03:19


Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức tăng học phí đại học cho năm học 2023-2024. Mức này sẽ tăng đáng kể so với trước đây.

học phí


Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước.

Trong đó, Bộ đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Nghĩa là, mức thu học phí vẫn thay đổi nhưng sẽ tăng ít hơn. Cụ thể, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức năm học 2022-2023 trong Nghị định 81.

Học phí đại học cao nhất hơn 6 triệu đồng/tháng

Đối với giáo dục đại học, trường công lập chưa tự chủ, học phí áp dụng cho năm 2023-2024 (từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024) cao nhất là nhóm ngành y dược (y khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền) là 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các ngành sức khỏe khác là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Các khối ngành học còn lại dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,45 triệu đồng/tháng/sinh viên.

học phí1


Theo Bộ GD&ĐT, học phí các năm đại học đến năm 2027 cao nhất là 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên ở các trường đại học công lập chưa tự chủ.

Như vậy, theo đề xuất của Bộ Giáo dục đưa ra, học phí đại học tăng 220 nghìn đến 1,02 triệu đồng (tăng từ 22,45% đến 71,33%). Mức thu hiện nay là từ 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng. Mức này thấp hơn quy định tại Nghị định 81 (từ 1,35 triệu đến 2,76 triệu đồng/tháng).

học phí2


Trong khi đó, mức thu của các cơ sở phổ thông công lập tự chủ mức độ 1 và 2 vẫn theo Nghị định 81. Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng từ 2 đến 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 triệu đến 6,125 triệu đồng/tháng.

Riêng đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Mức trần học phí phổ thông gần 2 triệu đồng/tháng

Theo tờ trình, mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 dự kiến thu với học sinh mầm non, học sinh tiểu học khu vực thành thị từ 100 nghìn đồng đến 540 nghìn đồng/tháng/học sinh.

Vùng nông thôn, mức đóng từ 50 nghìn đồng đến 220 nghìn đồng/tháng/học sinh. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi có mức thu từ 30 nghìn đồng đến 110 nghìn đồng/tháng/học sinh.

Học sinh THCS lần lượt theo 3 khu vực như sau: từ 100 nghìn đồng đến 650 nghìn đồng/tháng/học sinh; từ 50 nghìn đồng đến 270 nghìn đồng/tháng/học sinh; từ 30 nghìn đồng đến 170 nghìn đồng/tháng/học sinh.

Học sinh THPT học phí lần lượt từ 110 nghìn đồng đến 650 nghìn đồng/tháng/học sinh; từ 70 nghìn đồng đến 330 nghìn đồng/tháng/học sinh; từ 30 nghìn đồng đến 220 nghìn đồng/tháng/học sinh.

học phí3


Cũng giống như giáo dục đại học, học phí của các trường tự đảm bảo chi thường xuyên được thu không quá 2 lần so với mức trên (cao nhất 1,3 triệu đồng/tháng). Các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư không quá 2,5 lần (cao nhất là 1,95 triệu đồng/tháng).

Đối với cơ sở đào tạo đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục đó ban hành.

Học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí

Ở cấp tiểu học, học sinh không phải đóng học phí. Khung học phí tại Nghị định 81 là căn cứ để địa phương quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc diện được hưởng chính sách giảm học phí theo quy định.

Bộ GD&ĐT đề xuất từ năm học 2024-2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Như vậy, mức sàn (mức thấp nhất) học phí của dự thảo này thấp hơn mức sàn học phí năm học 2022-2023 theo Nghị định 81, trong khi mức trần (mức cao nhất) được giữ nguyên.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học phí dao động từ 1,248 triệu đồng đến 2,184 triệu đồng/tháng.

học phí4


Trong tờ trình, Bộ GD&ĐT giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Áp dụng lùi mức thu mới lại 1 năm

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành từ ngày 27/8/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/2022/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí của các cơ sở GD&ĐT công lập năm học 2022-2023.

Theo đó, mức học phí của cơ sở giáo dục công lập tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021-2022, giữ ổn định trong 3 năm qua.

Theo lộ trình của Nghị định 81, mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023-2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022-2023, đặc biệt khối ngành y dược tăng 93%, khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%.

Qua phản ánh và thảo luận, góp ý của các cơ quan trung ương, địa phương, học phí năm học 2023-2024 cần phải được điều chỉnh tăng để đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chỉ thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.

Đặc biệt đối với trường công, thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn rất hạn chế. Việc hợp tác, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học còn chậm triển khai.

Nhiều đại học đề nghị cần được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Song, nhiều ý kiến cho rằng nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo mức quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh, tạo phản ứng của dư luận xã hội.

Theo đó, hầu hết các ý kiến thống nhất đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022-2023 nhưng có thể chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Tức là thay vì áp khung học phí năm học 2023-2024 theo Nghị định 81 các trường sẽ thu theo mức học phí năm 2022-2023 của nghị định này.

Bộ GD&ĐT cũng trình bày tác động của việc áp dụng mức học phí lùi một năm đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI. Theo Bộ, năm học 2022-2023 do không áp dụng thu học phí theo Nghị định 81 nên không tác động đến chỉ số CPI 8 tháng đầu năm 2023.

"Theo ý kiến của Tổng cục Thống kê, nếu các địa phương áp dụng mức sàn học phí lùi 1 năm theo quy định của Nghị định 81 thì sẽ tác động làm CPI bình quân cả nước năm 2023 tăng khoảng 1,4 điểm phần trăm. Còn nếu áp dụng theo đúng Nghị định 81, cả năm 2023 sẽ tăng khoảng 2,3 điểm phần trăm", Bộ GD&ĐT thông tin.

Đối với người học, việc dự kiến lùi 1 năm tăng học phí so với quy định cũng giảm áp lực về tài chính cho gia đình.

Sau khi Bộ GD&ĐT đề xuất, Chính phủ sẽ là cơ quan quyết định phương án cuối cùng.

 

Theo Huyên Nguyễn
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây