Dạy văn hóa: 4 kiến nghị của các trường nghề tại TPHCM

Thứ hai - 13/09/2021 05:43:12

Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều trường Trung cấp và Cao đẳng thành viên, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đã có 4 kiến nghị sửa đổi dự thảo thông tư về việc dạy văn hóa trong trường nghề.
 
Dạy văn

Theo ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, Hội đã có văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Giáo dục - Đào tạo (Bộ GD-ĐT), Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) góp ý dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Để tổng hợp các kiến nghị này, Hội GDNN TPHCM đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến lấy ý kiến các đơn vị thành viên với sự tham gia của gần 30 đại biểu là lãnh đạo các trường Trung cấp, Cao đẳng.

Theo văn bản trên, các đại biểu bày tỏ sự lo ngại khi các quy định trong dự thảo Thông tư mới này chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trong việc dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ Trung cấp trong cơ sở GDNN.

Cụ thể là với quy định các cơ sở GDNN chỉ dạy văn hóa 4 môn, học sinh không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn thi tốt nghiệp THPT, các em phải đến các Trung tâm Giáo dục thường xuyên để học chương trình 7 môn.

Văn bản nêu rõ: "Hình thức này có trở ngại là học sinh phải học nghề ở một nơi, học văn hóa ở một nơi khác".

Vì vậy, học sinh gặp khó khăn nếu muốn học lên trình độ cao hơn, đặc biệt là liên thông lên trình độ Đại học.

Từ đó, Hội GDNN TPHCM kiến nghị 4 vấn đề cần xem xét điều chỉnh khi soạn thảo Thông tư quy định về việc dạy văn hóa THPT trong trường nghề.

Thứ nhất, khi soạn thảo Thông tư này cần thực hiện theo chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 14/6/2021 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành.

Cụ thể là ý kiến chỉ đạo: "Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở".

Thứ hai, cần quy định rõ cơ sở GDNN nào có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thì được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; còn cơ sở nào không đủ điều kiện thì phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Thứ ba, các cơ sở GDNN đủ điều kiện sẽ đăng ký với Sở GD-ĐT cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và Sở GD-ĐT sẽ cấp bằng tốt nghiệp THPT cho những học sinh đạt yêu cầu.

Trường hợp học sinh tại các cơ sở GDNN đã học đủ chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (7 môn học) nhưng chưa tham gia thi tốt nghiệp, hoặc tham gia thi nhưng không đạt thì người đứng đầu cơ sở GDNN cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ tư, Hội GDNN TPHCM kiến nghị cho phép người có bằng tốt nghiệp Trung cấp và "Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT" được theo học trình độ cao hơn của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…

Về quan điểm cá nhân, ông Lâm Văn Quản cho rằng: "Dự thảo Thông tư trên của Bộ GD-ĐT trái với Điều 6,7,8 Luật Giáo dục năm 2019; Quyết định 1981 và Quyết định 1982 ban hành năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ".

Theo ông, hai quyết định 1981 và 1982 ban hành năm 2016 nhưng chưa có văn bản thay thế nên vẫn phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019. Cần xem xét triển khai cho phù hợp.

Chủ tịch Hội GDNN TPHCM nhấn mạnh: "Cần phải khẳng định Cao đẳng, Trung cấp dù là Bộ nào quản lý cũng là những thành phần trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, hệ thống phải mở, linh hoạt để tạo điều kiện cho người học có thể học mọi lúc, mọi nơi".
Theo Tùng Nguyên
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây