30 tết, dẫn con đi Chợ Lớn mua món bánh đặc biệt của người Hoa

Thứ năm - 11/02/2021 08:57:41
Khu Chợ Lớn ở TP.HCM ngày 29, 30 tết đông vui nhộn nhịp. Chỗ này bán hoa, nơi kia bán dưa hấu, dừa, mãng cầu. Nhưng thích nhất là sạp hàng bán đủ thức bánh, món ngon của người Hoa.
 
30 tết

Đây là năm đầu tiên cả gia đình chúng tôi cùng đón tết ở TP.HCM. Dịch Covid-19 khiến đường về quê xa hơn, nhưng cũng giúp mỗi người có thêm thời gian lắng lại bên nhau, như ngày 29, 30 tết cùng nhau đi chợ, khám phá những nét văn hóa đặc biệt của chính nơi mình đang sống.

Gia đình nội của chồng tôi gốc Hoa. Nhiều món ăn ngày thường mang đậm hương vị của người Hoa như giò heo hon, tôm kho tàu, gà tiềm, vịt tiềm rau củ. Nhưng đúng là đến tết thì ẩm thực càng phong phú hơn với nhiều ý nghĩa thú vị.

Con gái tôi năm nay 3 tuổi rưỡi, rất thích thú khi lần đầu được khám phá chợ tết ở khu Chợ Lớn, khu vực vốn rất sầm uất của cộng đồng người Hoa ở TP.HCM. Đi ngang những sạp dưa hồng dán chữ hồng điều, hay qua những nơi bán hoa mai, dây đeo cành mai ngày tết rực rỡ sắc đỏ, vàng thì đều tròn mắt và hỏi tại sao.

Chúng tôi tới chợ Xã Tây nằm ở Q.5, không khí thật là khó tả. Cái tết đến không phải trong gió lạnh hanh hao, mùi nhang trầm thoảng bay hay vài giọt mưa phùn lắc rắc như mọi cái tết miền Bắc tôi từng trải nghiệm.

Thành phố ấm áp, người bán hàng niềm nở đôn hậu, có thể cảm nhận rõ cả nụ cười của họ sau lớp khẩu trang, những sắc đỏ, cam, vàng, xanh lá cây của đủ loại rau củ, cây trái, đồ ăn tạo nên một bức tranh rất xuân. Chợ cuối năm ai cũng hối hả. Người bán mau nhanh hết hàng để về đoàn tụ bên mâm cơm cúng giao thừa. Người mua cũng nhanh chóng, chẳng mấy ai để ý tới chuyện trả giá, bởi có đắt hơn một chút cũng tặc lưỡi “thôi, tết mà”.

Chúng tôi ghé vào một hàng bán lạp xưởng, mua một ít lạp vịt, lạp xưởng gan. Đây là 2 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm gia đình người Hoa ở TP.HCM trong ngày tết. Kế bên cạnh hàng lạp xưởng là một sạp hàng với đủ thức bánh truyền thống của người Hoa. Bánh trái lựu như những quả lựu khoe cánh màu đỏ, vỏ màu vàng, bọc giấy đỏ.

Bánh củ cải nhân củ cải, tôm khô hình tròn, mua tới đâu cô bán hàng lật khỏi chiếc khuôn bỏ vào túi cho khách. Bánh tổ màu vàng mượt. Bánh đường tạo hình quả đào tiên hay quýt, bưởi đựng trong hộp kín trong suốt rồi bánh phát tài làm từ bột lên men, nở phồng ra hình hoa như bánh bông lan, nhìn loại nào cũng hấp dẫn.

Trong số nhiều món bánh, thì có những loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ của gia đình người Hoa cúng tổ tiên, đó là bánh trái lựu (hay còn được gọi là bánh tài lộc, bánh chính túi); bánh phát tài; bánh tổ; bánh đường.

Giống như đúng tên gọi của mình, mỗi loại bánh có một ý nghĩa khác nhau. Bánh tài lộc, bánh phát tài mong ước một năm mới tài lộc, may mắn, an khang cho con cháu. Bánh đường hình đẹp, có thể để thờ rất lâu trên bàn thờ tổ tiên. Bánh tổ thì màu vàng, mượt, gọi theo tiếng Hoa còn được gọi là “bánh dính”, mong con cháu gia đình sẽ gắn kết lại với nhau… Cô bán hàng trong chợ Xã Tây rất hào sảng, chỉ cho chúng tôi từng tên loại bánh, ý nghĩa của chúng và cả những nguyên liệu làm ra bánh.

Đi chợ ngày tết, không đơn thuần là mua sắm cho đủ đầy những điều cần thiết cho mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, hay nấu nướng những bữa cơm ngon. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, đây sẽ là những kỷ niệm để mỗi người lưu lại, trong một cuốn “album” đặc biệt của tâm hồn mình. Đi chợ 30 tết, là cách giản đơn dạy cho con về phong tục gia đình. Nói cho con những nét đẹp của quê hương mình ngày tết. Người ta nói, kiếp này có duyên lắm mới gặp được nhau. Chẳng phải tết là khởi đầu của một năm, cùng người thân của mình làm nên những tháng năm ý nghĩa là điều ai cũng ước vọng trong mùa xuân, năm mới?

 
Theo Bảo Vy
Thanh niên
 Tags: Dạy con, 30 Tết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây