Sinh viên biên phiên dịch phải thích nghi với máy dịch

Chủ nhật - 20/08/2023 09:45:14


Các chuyên gia cho biết sinh viên ngành biên phiên dịch phải 'hân hoan thích nghi' với trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ máy dịch tự động và nên thực tập ngay từ năm nhất.

Đó là ý kiến được đưa ra thảo luận trong buổi tọa đàm "Những tác động của đại dịch đối với ngành nghề và thị trường biên phiên dịch: phương pháp hướng sắp tới" do CLB Biên phiên dịch Sài Gòn thuộc Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM tổ chức chiều 19.8.

Công nghệ phát triển mạnh, mang đến cơ hội mới

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, gồm chuyên gia dịch thuật, đại diện doanh nghiệp và trường ĐH, nhận định đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt nền kinh tế nhưng thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm ngành biên phiên dịch.

"Đại dịch thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, xóa bỏ ranh giới địa lý trong ngành biên phiên dịch", bà Dương Thị Hoài Chân, CEO Công ty TNHH Tư vấn dịch thuật Chân Thiện Mỹ, nhận định.

Điều này đồng nghĩa các bạn trẻ có thể làm công việc biên phiên dịch ở nước ngoài mà không nhất thiết phải rời khỏi Việt Nam nhờ vào sự phát triển của nhiều nền tảng công nghệ dịch thuật. "Chính vì thế, sinh viên và những người đang làm nghề phải là 'master user' - tức sử dụng thành thạo các nền tảng mới", bà Chân chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, bà Jamie Kiều Ngọc, Giám đốc Công ty dịch vụ dịch thuật STAR Việt Nam, lưu ý sinh viên phải luôn cập nhật công nghệ mới, không chỉ giỏi ngoại ngữ, mà phải "giỏi tiếng Việt". "Đa số những công ty đa quốc gia ưu tiên dự án dịch thuật 'localization' (nội địa hóa), tức cần tiếng Việt chuẩn. Do đó, sinh viên không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải giỏi tiếng Việt", bà Ngọc lưu ý.

Sinh viên biên phiên


Theo bà Ngọc, trường ĐH chỉ là nơi trang bị kiến thức và sinh viên phải biết tự tìm kiếm cơ hội việc làm cho chính mình. "Chúng tôi đánh giá cao những sinh viên mới học năm 1, 2 tham gia dịch sách. Sinh viên ngành biên phiên dịch có thể tìm kiếm cơ hội làm việc tự do (freelance)", bà Ngọc nói.

Mặt khác, bà Ngọc đánh giá thị trường biên phiên dịch hậu đại dịch Covid-19 có nhiều biến động về nhân sự, tiêu chuẩn cũng như giá dịch vụ. Vì thế, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM, đề xuất thành lập hiệp hội biên phiên dịch chuyên nghiệp, hướng đến bảo vệ quyền lợi, tăng cường chuyên môn cho những người làm nghề.

Sinh viên phải thực tập từ năm nhất

Cũng tại tọa đàm, đại diện các trường ĐH chia sẻ những cập nhật trong chương trình đào tạo biên phiên dịch nhằm thích nghi với sự phát triển của AI và công nghệ máy dịch tự động.

Bà Hạ Thị Mai Hương, giảng viên tổ biên phiên dịch - khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay, trong những năm gần đây, khoa đã áp dụng mô hình "gắn liền không gian đào tạo với không gian việc làm".

"Mô hình này nhận được đánh giá tích cực từ sinh viên lẫn doanh nghiệp. Cụ thể, khoa tổ chức cho sinh viên thực tập ở năm 1 để có cái nhìn, am hiểu về lĩnh vực. Đến những năm sau, khoa nhận dự án bên ngoài để cho sinh viên tham gia dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Sinh viên năm nhất phải được tạo điều kiện thực tập vì nếu đợi đến năm 3, 4 thì đã quá muộn", bà Hương nói.

Còn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Phó trưởng khoa Ngữ văn Anh, cho hay, trước xu hướng công nghệ luôn đổi mới, nhà trường đào tạo thêm cho sinh viên về máy dịch (machine translation). "Thời nay, người làm dịch thuật mà không biết công nghệ thì thua thiệt so với những người am hiểu công nghệ", bà Ngọc chia sẻ.

Theo bà Ngọc, xu hướng đào tạo biên phiên dịch hiện nay tập trung vào "năng lực dịch giả" - tức là khả năng làm việc theo nhóm cho một dự án cụ thể, chẳng hạn giảng viên cùng nhóm sinh viên thực hiện dự án dịch sách. "Khoa huy động nguồn lực xã hội hóa để tự tổ chức hội thảo chuyên ngành để sinh viên thực hành phiên dịch trực tiếp (còn gọi là dịch cabin)", cô Ngọc nói.

Nói về triển vọng nghề nghiệp, các nhà đào tạo nhận định, sinh viên ra trường không làm đúng chuyên ngành biên phiên dịch nhưng nếu có kỹ năng tốt vẫn có thể thành công ở những lĩnh vực khác.

Dẫn lại kết quả khảo sát của trường, bà Trần Mỵ Uyên, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, cho biết đa số sinh viên của trường đã tốt nghiệp ngành biên phiên dịch đang làm việc trong các công ty không phải là công ty dịch thuật. Điều này cho thấy, dù sinh viên ở bất cứ ngành nghề nào nếu kỹ năng tốt vẫn có thể thích nghi với công việc.

Gần đây, nhiều người đặt vấn đề trên mạng xã hội rằng chúng ta đã có AI, Google dịch ngày càng hoàn thiện thì học ngành biên phiên dịch để làm gì? Các chuyên gia tại tọa đàm khẳng định AI là công cụ hỗ trợ đắc lực, không thể thay thế con người. "Dù vậy, sinh viên cũng không thể chối bỏ mà nên biết hân hoan thích nghi trước sự phát triển của AI", cô Uyên chia sẻ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), đồng thời lưu ý: "Trong tình huống đàm phán ngoại giao cấp cao, chúng ta cần những phiên dịch viên chuyên nghiệp có sự am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa và tình hình thế giới vì máy móc không thể làm được điều này".

 

Theo Phúc Duy
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây