Năm 2025, Tin học và Công nghệ lần đầu tiên trở thành hai môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH có thể thay đổi.
Năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi cả nước sẽ có lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bắt đầu từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn thi, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, và 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Như vậy, với phương án này, lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Vì vậy, trường đại học cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển có 2 môn học này để thu hút sinh viên học ngành nghề STEM (khoa học - kỹ thuật - công nghệ - toán).
Hai môn học quan trọng tạo nên giáo dục ngành nghề STEM
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lập – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Hoa Sen cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng quy định mới về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh khi xét tuyển đại học.
Điều này giúp học sinh linh hoạt hơn trong việc lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, năng khiếu và sở thích của mình, từ đó có thể tối ưu hóa kết quả xét tuyển vào ngành học, trường học mà bản thân yêu thích.
Với sự đa dạng trong tổ hợp môn xét tuyển, Trường Đại học Hoa Sen dự kiến sẽ mở rộng thêm nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh. Nhà trường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để xây dựng các tổ hợp môn phù hợp với từng ngành đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu vào và đáp ứng xu hướng nghề nghiệp của xã hội.
Trường Đại học Hoa Sen luôn có truyền thống cung cấp môi trường học thuật quốc tế với văn hóa năng động, sáng tạo, gắn liền với thực tiễn đời sống trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 liên tục thay đổi.
Đánh giá về quy định mới khi lần đầu tiên có sự xuất hiện của Tin học và Công nghệ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lập cho hay, việc đưa hai môn học này vào danh sách các môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một bước tiến rất phù hợp và cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Kỹ năng về công nghệ thông tin là nền tảng đặc biệt quan trọng cho mọi lĩnh vực.
Với việc hai môn thi này xuất hiện trong tổ hợp xét tuyển, nhà trường sẽ cân nhắc, tính toán và dự kiến đưa vào các tổ hợp xét tuyển cho những ngành liên quan như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Truyền thông đa phương tiện. Điều này không chỉ giúp chọn lọc thí sinh có năng lực phù hợp mà còn đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Được biết, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bao gồm 7 năng lực đặc thù: toán học, ngôn ngữ, khoa học, tin học, công nghệ, thể chất và thẩm mỹ. Trong đó, năng lực tin học và công nghệ chưa từng đặt ra ở các chương trình giáo dục trước đây; và là hai yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hai môn học là những thành phần cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và đại học. Ngành nghề STEM cũng rất phong phú và không ngừng phát triển, chủ yếu tuyển sinh theo khối A (A00, A01, A02, A03,…) và khối B (B00, B01, B02, B03, B04,…).
Một trong những vấn đề quan trọng của giáo dục hiện nay là đổi mới công tác tuyển sinh thích ứng với sự đổi mới của toàn bộ hệ thống, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Các trường đại học cần xây dựng các tổ hợp tuyển sinh mới có các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, đồng thời công bố sớm để học sinh lựa chọn môn thi sớm.
Việc công bố sớm các tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ, nhằm tăng thêm cơ hội cho thí sinh đăng ký vào các ngành nghề STEM.
"Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm định hướng cho các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng tổ hợp xét tuyển là rất cần thiết. Điều này giúp đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và tránh sự phân tán không cần thiết trong quy trình xét tuyển.
Bên cạnh đó, việc thống nhất và định hướng tổ hợp xét tuyển cũng giúp học sinh dễ dàng lựa chọn và tập trung ôn tập hơn, không phải lo lắng về việc mỗi trường có yêu cầu khác nhau", Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ.
Tập trung cho môn thi học sinh lựa chọn, đảm bảo công bằng trong giáo dục
Có thể thấy, việc sớm công bố tổ hợp xét tuyển có môn Công nghệ, Tin học sẽ giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10. Tuy nhiên, khi đưa hai môn học mới này vào tổ hợp xét tuyển đại học, chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề công bằng cơ sở vật chất trong giáo dục, đồng thời tập trung hỗ trợ các môn thi mà học sinh lựa chọn.
Theo thầy Hồ Ngọc Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), các môn thi mới rất quan trọng và phù hợp với nền kinh tế - xã hội hiện đại. Song, vì các trường đại học chưa công bố tổ hợp xét tuyển, đồng thời số môn thi của năm 2025 ít hơn 2 môn so với những năm trước. Vì vậy, học sinh vẫn có xu hướng ưu tiên lựa chọn những môn học xét được nhiều tổ hợp để bảo đảm an toàn.
Ví dụ, một số em học sinh muốn vào ngành Công nghệ thông tin thì sẽ lựa chọn tổ hợp A00 (Toán - Vật lý - Hóa học) hoặc A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh) như thông thường mọi năm để cũng đồng thời xét tuyển được vào những ngành khác.
Theo kế hoạch của nhà trường, ngoài những tiết chính khóa, các em học sinh còn được tham gia những nội dung ôn luyện, thực hành nhiều hơn để nâng cao kiến thức và kỹ năng làm bài. Riêng môn Tin học, các em phải làm quen với cách sử dụng máy móc, phần mềm để tiếp cận với kỳ thi.
Nhà trường vẫn định hướng giảng dạy bám sát chương trình, chờ đợi đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi biết cấu trúc và định hướng đề thi, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, phương pháp giảng dạy và triển khai ôn tập cụ thể trong học kỳ 2.
Thầy Nguyễn Tài Quyển - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn, Thanh Hoá) chia sẻ, giáo viên bộ môn đã được tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngay từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, một thách thức với nhiều trường học hiện nay là phải nỗ lực đầu tư, trang bị, bảo dưỡng, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phòng Tin học. Ngoài ra, do chỉ có số lượng ít học sinh đăng ký học nên khó để bố trí thành lớp.
Theo thầy Quyển, từ định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tùy thuộc vào cơ sở vật chất và đội ngũ nhằm bố trí các môn thi tự chọn cho phù hợp, làm sao tận dụng được tối đa nguồn lực hiện có, nhà trường đã có sự định hướng, tư vấn cho học sinh lựa chọn phù hợp để thi tốt nghiệp. Mặt khác, hiện nay, tổ hợp xét tuyển của các trường đại học chưa công bố, vì vậy thí sinh cũng có xu hướng lựa chọn các môn văn hóa để đăng ký học.
Theo Diệu Hương
Giáo dục Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC