Năm 2023, Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022.
Đáng chú ý, Bộ cho biết các trường đại học hoàn toàn có quyền công bố xét tuyển sớm nhưng kết quả xét tuyển chỉ là tạm thời và có điều kiện.
Không yêu cầu dừng xét tuyển sớm
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022. Năm nay, kế hoạch tuyển sinh dự kiến sẽ sớm hơn để thí sinh (TS) trúng tuyển có thể nhập học vào tháng 9. Dự kiến vào tháng 2 tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2023. Theo đó, các trường ĐH sẽ cung cấp thông tin đề án tuyển sinh và thông tin khác để TS được biết.
Xét tuyển sớm là gì?
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó thường là các phương thức xét tuyển như: học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng… TS xét tuyển theo các phương thức này sẽ nộp hồ sơ sớm theo quy định của từng trường và trường cũng có quyền công bố xét tuyển sớm nhưng kết quả chỉ là tạm thời, có điều kiện. Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi TS đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, việc đăng ký nguyện vọng của TS vẫn được thực hiện trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Mỗi TS được cấp tài khoản để đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học. TS đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng.
Riêng về việc xét tuyển sớm, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, do quy chế tuyển sinh trong năm 2023 không thay đổi nên các trường ĐH vẫn thực hiện. Trước đó, hồi cuối tháng 11.2022, trong Báo cáo giao ban quý 4 về tuyển sinh và đào tạo, Bộ cho biết sẽ xem xét, khuyến khích các trường không thực hiện xét tuyển sớm trong năm 2023 nếu không cần thiết và trừ một số trường hợp đặc thù; Tất cả phương thức xét tuyển ĐH bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt. Bởi nếu các trường vẫn chỉ xét điểm học bạ và thi tốt nghiệp thì việc xét tuyển sớm là không cần thiết vì cuối cùng tất cả TS đều đăng ký lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ.
“Thông tin trên chỉ mang tính chất khuyến cáo, Bộ không yêu cầu các trường dừng xét tuyển sớm bởi quy chế cho phép điều này. Các trường hoàn toàn có quyền công bố xét tuyển sớm nhưng kết quả xét tuyển chỉ là tạm thời và có điều kiện”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lý giải thêm.
Kế hoạch của các trường ra sao?
Mới đây nhất, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM là đơn vị đầu tiên công bố thời gian nhận hồ sơ xét tuyển năm 2023 theo phương thức xét học bạ - một trong các phương thức xét tuyển sớm. Ngoài đợt đầu sẽ kết thúc vào 31.3, trường tổ chức 7 đợt xét tuyển nữa theo phương thức xét học bạ, kéo dài đến ngày 15.9. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết trường có 4 phương thức trong năm nay gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Các trường CĐ cũng nhận hồ sơ sớm
Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng nhận hồ sơ từ 1.1. Trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 1.1 - 10.7 (đối với học bạ), đến 30.7 (đối với điểm tốt nghiệp THPT) và đến 20.7 (đối với điểm thi đánh giá năng lực). TS nộp qua 3 hình thức: trực tuyến tại trang web của trường, trực tiếp tại trường và qua đường bưu điện.
Trường CĐ Lý Tự Trọng nhận hồ sơ từ nay đến hết 30.9. Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Năm 2023, trường xét tuyển 5.450 chỉ tiêu bậc CĐ gồm CĐ chính quy, CĐ chất lượng cao, CĐ chất lượng cao thực tập và tốt nghiệp tại Nhật Bản, CĐ liên kết quốc tế”.
Về thời gian nhận hồ sơ, ông Quốc Anh cho biết phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo lộ trình chung của Bộ GD-ĐT. Phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, trường sẽ thông báo nhận hồ sơ xét tuyển tương ứng với các đợt thi của ĐH Quốc gia TP.HCM. Riêng 2 phương thức xét tuyển học bạ, trường nhận hồ sơ xét tuyển sớm, đợt đầu tiên từ ngày 3.1.
“Học sinh đang học lớp 12 chưa có kết quả xét tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có thể nộp trước phiếu đăng ký xét tuyển ở đợt đầu tiên này để trường ghi nhận thông tin. Sau đó, bản sao công chứng học bạ THPT và giấy chứng nhận tốt nghiệp sẽ nộp sau. Song song việc nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường, TS có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đăng ký xét tuyển trực tuyến”, Phó hiệu trưởng này chia sẻ thêm.
Năm 2023 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ duy trì các phương thức tuyển sinh đã áp dụng trong năm trước đó, dành tối đa 90% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tổng hợp. Cụ thể gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển TS có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc TS người nước ngoài; Xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với TS dự tính du học nước ngoài; Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội.
Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tùy theo đặc thù từng phương thức xét tuyển trường có kế hoạch nhận đăng ký khác nhau. Trong đó, phương thức tuyển sinh đặc thù (xét tuyển TS người nước ngoài, tốt nghiệp THPT nước ngoài, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, phỏng vấn…), TS phải đăng ký với trường. TS sẽ đăng ký thông tin hồ sơ với trường như: kết quả học tập, thành tích, chứng nhận. Riêng phương thức xét tuyển tổng hợp, TS đăng ký nguyện vọng tại cổng của Bộ GD-ĐT.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết năm nay trường dự kiến giữ ổn định phương thức xét tuyển để tạo thuận lợi cho TS. Cụ thể gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; học bạ THPT tổ hợp 3 môn năm lớp 12 từ 18 điểm trở lên; học bạ điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11; học kỳ 1 lớp 12) từ 18 điểm trở lên. Thạc sĩ Nguyên cho biết trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ từ 16.2, TS có thể nộp hồ sơ trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến.
Trường ĐH Việt - Đức cũng công bố 5 phương thức tuyển sinh sẽ áp dụng trong năm nay cùng với thời gian nhận hồ sơ. Trong đó, 2 phương thức sẽ thực hiện xét tuyển sớm gồm: xét tuyển dựa vào bài kiểm tra năng lực TestAS và kết quả học tập THPT. TS muốn tham dự kỳ thi riêng để xét tuyển bắt đầu đăng ký trực tuyến từ ngày 3.1 đến hết ngày 7.5, dự thi vào ngày 20 và 21.5 tới.
Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, Trường ĐH Việt - Đức cũng nhận hồ sơ từ ngày 15.2 - 31.5. Phương thức xét học bạ, trường xét dựa vào học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, tổng điểm trung bình được xác định từ điểm trung bình của 5 môn học: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn. Thí sinh có thể lựa chọn 2 môn tự chọn trong các môn gồm: vật lý, hóa học, sinh học, tin học, lịch sử và địa lý.
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC