ĐH Bách khoa Hà Nội khác gì Trường ĐH Bách khoa Hà Nội?

Thứ ba - 06/12/2022 06:27:21


Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định đơn vị này không xây dựng các trường đại học thành viên, văn bằng của tất cả sinh viên tốt nghiệp đều do Đại học Bách khoa Hà Nội cấp.

Đại học Bách khoa Hà Nội


Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 2.12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1512/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội.

Thông tin này ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận, vì nhiều người không hiểu trường ĐH và ĐH khác nhau những gì. Đặc biệt, ĐH Bách khoa Hà Nội hiện nay sẽ khác gì với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ ngày 1.12 trở về trước.

ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ phân cấp quản lý nhưng không phân lập

Theo thông cáo báo chí của ĐH Bách khoa Hà Nội, việc đơn vị này được phép thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động, từ “trường ĐH” lên “ĐH”, là một dấu mốc quan trọng trong trong lịch sử phát triển của đơn vị mình và phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục ĐH thế giới.

ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, mô hình tổ chức và quản trị của mình là tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp mạnh nhưng không phân lập. Đặc biệt, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ không xây dựng các trường ĐH thành viên (mà chỉ xây dựng các trường trực thuộc), với quan điểm “một Bách khoa Hà Nội”.

Quan điểm này thể hiện ở sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn ĐH. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do ĐH Bách khoa Hà Nội quy định.

Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đơn vị (với các ĐH hiện có, văn bằng tốt nghiệp là do các trường ĐH thành viên cấp).

Thông cáo báo chí của ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Việc chuyển đổi mô hình thành ĐH Bách khoa Hà Nội là để thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, đưa ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, lên tầm cao mới, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên”.

ĐH Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu. Cán bộ có trình độ tiến sĩ là 805 người, chiếm 76,3%. Cán bộ có học hàm GS, PGS là 279 người, chiếm 26,19%.

Trường ĐH và ĐH khác nhau những điểm nào?

Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 (thường được gọi là luật 34), các khái niệm được dùng làm tên gọi các cơ sở giáo dục ĐH, gồm: Trường ĐH, học viện (được gọi chung là trường ĐH); ĐH (trong ĐH có ĐH quốc gia để phân biệt với các ĐH thông thường khác).

Trường ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực; các đơn vị cấu thành ĐH cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Trong ĐH sẽ có đơn vị thành viên. Đơn vị thành viên là trường ĐH, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH.

Trong ĐH còn có đơn vị trực thuộc. Trong trường ĐH cũng có đơn vị trực thuộc. Đơn vị trực thuộc là đơn vị có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục ĐH, do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH.

Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục ĐH, do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH.

Trong ĐH và trường ĐH còn có đơn vị thuộc, tức là đơn vị không có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục ĐH, do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH, phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo cơ cấu tổ chức của ĐH Bách khoa Hà Nội hiện nay, cơ sở ĐH này không có trường ĐH thành viên, mà chỉ có trường trực thuộc (là 3 trường trực thuộc, mới được thành lập năm ngoái, nhằm chuẩn bị cho việc từ trường ĐH lên ĐH).

Như vậy, về cơ bản, ĐH và trường ĐH chỉ khác nhau ở phạm vi đào tạo và nghiên cứu. ĐH thì đa lĩnh vực (trong một lĩnh vực thường có nhiều ngành), còn trường ĐH thì chỉ cần đa ngành.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật 34 thì ĐH và trường ĐH còn có một nét khác nhau căn bản nữa, là trường ĐH không chịu sự quy định về quy mô, còn ĐH thì có. Cụ thể, muốn trở thành ĐH, ngoài việc phải có ít nhất 3 trường cơ sở đào tạo, còn phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. Riêng quy mô 15.000 sinh viên chính quy thì hiện nay có rất nhiều trường ĐH đạt yêu cầu.

Theo Bộ GD-ĐT, nếu chưa tính khối an ninh quốc phòng, cả nước hiện nay có 267 cơ sở đào tạo ĐH (một số báo cáo khác của Bộ GD-ĐT cho biết con số là 232, điều này còn phụ thuộc vào việc có "đếm" cả các trường thành viên của các ĐH hay không).

Trước khi ĐH Bách khoa Hà Nội được "lên đời", cả nước chỉ có 5 ĐH, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng. Nhưng với 5 ĐH này, nhiều chuyên gia cho rằng đây thực chất chỉ là “liên hiệp các trường ĐH chuyên ngành”.

Trong quá trình chuẩn bị để "lên đời" ĐH, một lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, mô hình ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ là một mô hình ĐH mới hoàn toàn ở Việt Nam. Tư duy về quản trị ĐH sẽ thay đổi, như là việc sẽ xóa bỏ tư duy cục bộ. Về tổ chức hành chính là xóa bỏ hết đơn vị hành chính bộ môn. Ở cấp trường, sẽ tách quản lý hành chính - nhân sự ra khỏi quản lý chuyên môn…

 

Theo Quý Hiên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây