Yếu tố nào ảnh hưởng đến việc chọn trường của học sinh?

Thứ ba - 25/04/2023 06:50:56


Vấn đề chọn trường đại học không chỉ là sự quan tâm của người học, phụ huynh, mà nó còn là mối quan tâm lớn của các cơ sở đào tạo giáo dục đại học. Bởi vì công tác tuyển sinh ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của trường.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến


Lựa chọn hướng đi sau THPT ngày càng đa dạng

Trong những năm gần đây, việc lựa chọn hướng đi sau THPT của học sinh (HS) VN ngày càng đa dạng, không còn tập trung vào con đường chính là vào ĐH.

Năm 2020, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 900.152 thí sinh (TS) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, số đăng ký xét tuyển ĐH là 643.122 TS, chiếm 71,45%. Năm 2021, có 1.014.972 TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 792.616 TS đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm 78,1%. Hai năm 2020 và 2021, tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH trên 70% là do việc đăng ký trước thi tốt nghiệp. Nếu đăng ký sau thi tốt nghiệp chắc chắn tỷ lệ này sẽ giảm.

Số liệu của năm 2022 cho thấy rõ điều đó. Trong số 1.002.525 TS dự thi tốt nghiệp THPT, trước thi có 941.759 TS đăng ký xét tuyển ĐH (chiếm 93,1%). Nhưng khi đăng ký chính thức sau khi có kết quả tốt nghiệp, chỉ có 616.522 TS đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm 61,5%. Trong số đó, có dưới 50% trúng tuyển ĐH nhập học.

Hơn 50% số TS tốt nghiệp THPT chọn con đường học cao đẳng, trung cấp nghề, lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động nước ngoài và một bộ phận đi du học. Đây là kết quả tích cực của công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau THPT; và phản ánh thực tế nhu cầu thị trường lao động rất đa dạng.

5 yếu tố tác động đến việc học sinh chọn trường

Mới đây, một nghiên cứu của thạc sĩ Mai Thị Quỳnh Như (Trường ĐH Duy Tân) công bố trên tạp chí Công thương cho thấy có một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc chọn trường của HS. Nghiên cứu thực hiện khảo sát HS chủ yếu là lớp 12 các trường THPT Phan Chu Trinh, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Hòa Vang và một số trường khác của Đà Nẵng.

Kết quả cho thấy có 5 yếu tố quan trọng tác động từ cao đến thấp đối với quyết định chọn trường ĐH của HS, đó là: học phí và chi phí học tập, chất lượng đào tạo, sự quảng bá của nhà trường, công việc trong tương lai và khả năng đậu vào trường.

Về học phí: có 2 vấn đề mà HS quan tâm là chọn trường có mức học phí thấp, phù hợp với điều kiện tài chính của bản thân và gia đình, giảm bớt gánh lo cho phụ huynh trước khoản chi phí lớn trong suốt 4 - 5 năm học ĐH. Thứ hai, HS thường lựa chọn những trường có chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ vay cho các đối tượng sinh viên như con hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số… tốt và thuận lợi nhất.

Về chất lượng dạy và học, có 3 vấn đề mà HS quan tâm là nhà trường trang bị trang thiết bị hiện đại để dạy học không? Cơ sở vật chất hiện đại ngày càng đóng vai trò quan trọng đến chất lượng đào tạo, trường nào được đầu tư tốt về thiết bị, máy móc dạy học, gần giống máy móc thực tế của các doanh nghiệp được HS lựa chọn nhiều. Mối quan tâm kế tiếp là trường có ngành đào tạo phù hợp với năng lực, sở thích: Các trường có nhiều chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với năng lực, sở thích đa dạng HS sẽ được HS ưu tiên lựa chọn. Tiếp theo là chất lượng giảng viên: Các trường có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, giỏi chuyên môn, có nhân cách, đạo đức tốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; có chính sách đào tạo đội ngũ, tạo điều kiện cho giảng viên học tập trong nước và nước ngoài; giảng viên có nhiều công trình nghiên cứu… sẽ được nhiều HS lựa chọn.

Sự quảng bá thông tin của nhà trường có vai trò quan trọng đối với công tác tuyển sinh. Bởi theo thống kê qua khảo sát cho thấy có tới 69,9% HS bắt đầu tìm hiểu về các trường ĐH thông qua website của trường. Những trường có phần giới thiệu sâu về các nội dung ngành/nghề đào tạo, số lượng sinh viên có việc làm, dự báo tình hình việc làm… sẽ được nhiều HS quan tâm lựa chọn.

HS, sinh viên rất quan tâm đến công việc tương lai sau khi tốt nghiệp ĐH. Những trường có khả năng liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao tri thức và tự tin hội nhập với thế giới theo xu hướng quốc tế hóa toàn cầu... sẽ có nhiều HS lựa chọn.

Phần lớn HS đều có sự cân nhắc chọn trường phù hợp với sức học của mình. Cụ thể, với những em có học lực từ khá trở lên thì thường chọn các trường đại học "tốp trên" (thường là các trường công lập có tiếng), với những em học lực từ trung bình khá trở xuống thì thường chọn các trường "tốp dưới" (thường là các trường ngoài công lập). Những trường có mức điểm chuẩn dù cao hay thấp, nhưng có nhiều ngành đào tạo mới cũng được nhiều HS lựa chọn.

Giải pháp cho địa phương vùng khó: trường ĐH cẩn trông tăng học phí

Các địa phương vùng khó như Hòa Bình, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Trà Vinh, Hậu Giang, Điện Biên, Lạng Sơn, Đắk Nông, Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, không chỉ hạn chế về chất lượng giáo dục mà số trường ĐH, CĐ ở những địa phương này cũng rất ít, cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH và CĐ của HS các địa phương này thấp.

Vì vậy, Nhà nước đầu tư cho giáo dục vùng khó, có chính sách ưu tiên cộng điểm hợp lý và hỗ trợ, miễn giảm học phí và chi phí học tập xa nhà. Mặt khác, các trường ĐH phối hợp với địa phương mở các chi nhánh đào tạo ĐH, tập trung những nghề mà địa phương cần.

Trên cơ sở các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường của HS, các trường ĐH cần thận trọng trong việc tăng học phí, cần mở rộng, tăng cường các ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, quảng bá hình ảnh, phối hợp với các trường THPT để hướng nghiệp và kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo việc làm cho sinh viên là rất cần thiết.

 

Theo Hồ Sỹ Anh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây