Xét tốt nghiệp THPT: 4.0 IELTS thành 10 điểm có dễ dãi?

Thứ sáu - 14/04/2023 06:29:48


Việc Bộ GD-ĐT cho phép miễn thi ngoại ngữ và tính 10 điểm tốt nghiệp THPT với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương được nhiều chuyên gia và giáo viên cho là không còn phù hợp và quá dễ dãi.

Xét tốt nghiệp THPT


Chuyển hướng sang luyện IELTS để lấy điểm 10 tốt nghiệp

Theo hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT mới ban hành, thí sinh (TS) được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27.6 và đạt mức điểm tối thiểu cụ thể. Ví dụ, với ngoại ngữ là tiếng Anh thì mức điểm chứng chỉ IELTS từ 4.0, TOEFL IIP từ 450 điểm hoặc TOEFL IBT 45 điểm… Từ các năm trước, khi áp dụng chính sách được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, TS sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT.

Anh M.K, một phụ huynh có con học lớp 12 ở Hà Nội, chia sẻ con anh thuộc diện học "đội sổ" của cả khối 12 trong trường ở tất cả các môn, trong đó có môn tiếng Anh. Do vậy, điều mà gia đình lo nhất là cháu trượt tốt nghiệp THPT nên phải dồn sức chống trượt kỳ thi này. Qua vài lần thi thử, kết quả của cháu chỉ đạt cao nhất 4 - 5 điểm tiếng Anh. Tuy nhiên, do biết Bộ GD-ĐT cho miễn thi nếu có chứng chỉ tiếng Anh nên gia đình đã chuyển hướng, thay vì ôn thi tốt nghiệp THPT môn này thì chuyển sang các khóa luyện thi để lấy chứng chỉ tiếng Anh của nước ngoài. Sau khoảng hơn 2 tháng luyện thi cật lực theo hình thức 1 thầy, 1 trò với mức học phí rất cao, con anh thi và đã đạt chứng chỉ TOEFL IBT 45 điểm. Yên tâm dùng chứng chỉ đó để sắp tới nộp xin miễn thi tốt nghiệp và nghiễm nhiên đạt điểm 10 môn tiếng Anh nên trong tính toán của gia đình anh K., thậm chí môn này còn trở thành giải pháp để kéo điểm các môn khác trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

4.0 IELTS chỉ tương đương 6-7 điểm thi THPT?

Hằng năm, TP.Hà Nội luôn là một trong số các địa phương có số lượng TS lớp 12 đủ điều kiện được miễn thi bài thi ngoại ngữ rất cao. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm toàn thành phố có hơn 10.000 TS lớp 12 đủ điều kiện được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

N.T.L.T, sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết năm 2020 em có chứng chỉ IELTS 7.0 nhưng vẫn dự thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển vào trường ĐH theo nguyện vọng, nhưng cũng chỉ đạt 9 điểm môn tiếng Anh chứ không được 10 dù đã ôn thi và làm bài cố gắng hết mức. Lý do, hai cách đánh giá khá khác nhau.


Bà An Thùy Linh, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay hầu hết học sinh (HS) của bà đều chọn cả hai vì 4.0 IELTS đã được quy đổi 10 điểm tốt nghiệp nên các em sẽ dùng điểm này để xét tốt nghiệp THPT, còn điểm thi thực tế sẽ dùng xét tuyển vào các trường ĐH theo nguyện vọng.

Bà Linh cũng nêu thực tế: dù HS điểm IELTS cao đến 7.5 nhưng không có nghĩa đi thi sẽ đạt điểm 10 chứ chưa nói điểm IELTS 4.0; hai mức điểm "một trời một vực". Phần lớn HS đạt 7.0 - 7.5 IELTS chỉ đạt tầm 9 - 9,5 điểm thi tốt nghiệp THPT, khó có điểm tuyệt đối; với HS đạt tầm 6 - 6.5 IELTS thì phần lớn đạt 8 - 9 điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn mức 4.0 IELTS quy ra điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc ngay trong đánh giá định kỳ tại trường thì chỉ khoảng 6 - 7 điểm. Điều đáng nói, chứng chỉ IELTS ở mức 4.0 thì hầu như không có mấy giá trị, vì dù xét tuyển ĐH trong nước hay du học, đi làm… đều không tính đến mức điểm thấp như vậy.

Bà Hà Thị Huyền, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cũng cho rằng mức 4.0 IELTS là thấp và chỉ so sánh với khoảng 6 điểm thi tốt nghiệp THPT nếu đề thi chuẩn hóa, phân hóa tốt. Là người dạy luyện thi IELTS, bà Huyền nêu thực tế: để nâng từ 4.0 lên 6.0 đã đòi hỏi TS phải nỗ lực rất lớn, đầu tư rất nhiều thời gian; để từ 6.0 lên 7.0, từ 7.0 lên 8.0 cũng vậy.

Nguyễn Thị Sao, sinh viên năm thứ tư Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho hay: mức 4.0 IELTS là rất thấp, chỉ tương đương điểm trên trung bình trong cách đánh giá theo khung điểm của VN, nên nếu mặc nhiên tính điểm 10 thì khoảng cách chênh lệch giữa HS ở thành phố với nông thôn, miền núi sẽ ngày càng rộng.

Trường ĐH không dùng điểm miễn thi để xét tuyển

Thực tế, từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng chính sách miễn thi ngoại ngữ đến nay, hầu hết trường ĐH cũng không sử dụng điểm miễn thi đó để xét tuyển ĐH trong phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều đó không có nghĩa các trường ĐH không đánh giá cao chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, mà các trường đưa ra mức điểm tối thiểu cần đạt phải từ IELTS 5.5 và có mức điểm quy đổi rõ ràng chứ không phải đánh đồng tất cả đều đạt điểm tuyệt đối.

Ví dụ, theo thông tin tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2023, thang điểm tiếng Anh được tính tối đa là 15 điểm. TS có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS thấp nhất phải là 5.5 và sẽ được quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh; IELTS 6.0 được quy đổi 11 điểm; 6.5 quy đổi 12 điểm; 7.0 quy đổi 13 điểm; 7.5 quy đổi 14 điểm và 8.0 trở lên mới được quy đổi điểm tuyệt đối là 15 điểm.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, IELTS 5.0 được quy đổi 7 điểm môn tiếng Anh (thang điểm 10); 5.5 được quy đổi 7,5 điểm; 6.0 được quy đổi 8 điểm; 6.5 tương đương 8,5 điểm. IELTS 7.0 được quy đổi 9 điểm; 7.5 là 9,5 điểm và TS phải đạt IELTS 8.0 mới được quy đổi thành điểm 10…

Các trường ĐH khác như Ngoại thương, Thương mại, Bách khoa Hà Nội… cũng đều có quy định cụ thể về mức quy đổi giữa điểm chứng chỉ IELTS với điểm thi môn ngoại ngữ trong xét tuyển, không có trường nào cào bằng một mức điểm.

Bà An Thùy Linh cho rằng việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đánh giá được cả 4 kỹ năng, trong khi thi tốt nghiệp THPT chủ yếu chỉ kiểm tra về từ vựng và ngữ pháp. Do vậy, chứng chỉ quốc tế có giá trị và đánh giá được toàn diện nhưng cần quy đổi mức điểm phù hợp hơn, không nên đánh đồng tất cả chứng chỉ đạt mức IELTS 4.0 hoặc tương đương thì đều đạt điểm 10 khi xét tốt nghiệp THPT. Điều đó vừa không phù hợp, vừa không công bằng với chính những TS có chứng chỉ đạt điểm cao.

Không ít ý kiến cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện đã không còn "quý hiếm" như thời điểm năm 2015, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu cho phép sử dụng để miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Do vậy, dù chỉ sử dụng để miễn thi với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT thì đã đến lúc Bộ GD-ĐT cũng cần điều chỉnh quy định cho phù hợp hơn. Việc quy đổi đồng loạt theo kiểu IELTS 4.0 hoặc tương đương là đạt điểm 10 là dễ dãi và không công bằng với chính TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

 

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây