Vào đại học, tân sinh viên lưu ý gì?

Thứ năm - 05/09/2024 20:11:18


Ngoài kỹ năng học tập, trau dồi ngoại ngữ, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tân sinh viên còn cần thêm những gì khi bước vào giảng đường đại học?
 

VÀO ĐH


TS Bùi Trân Phượng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen - cho rằng việc chọn trường đại học là một trong những chọn lựa quan trọng nhất của thanh niên.

'Hành trang' tân sinh viên phải nhớ

Theo bà Phượng, điều kiện "tối thiểu" để tân sinh viên có thể học tốt đại học là kỷ luật và tự giác. "Thứ hai là có ngoại ngữ, tức sử dụng được ngoại ngữ một cách thành thạo để học đại học. Nếu bắt đầu học sớm và thật sự có ý chí học hỏi, ngoại ngữ hoàn toàn có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai. Nhưng để làm được những điều đó, người học phải có năng lực tự học", TS Bùi Trân Phượng nhấn mạnh.

Cũng theo TS Bùi Trân Phượng, học ở đâu cũng vậy, sinh viên cần chăm chú nghe giảng, ghi chép, rồi đặt câu hỏi… Ngoài ra, sinh viên nên tự biết tìm đọc thêm nhiều sách, tìm cho mình người có hiểu biết để lắng nghe ý kiến.

TS Lê Minh Công - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng ở bất cứ ngành nghề nào, nếu chỉ học bằng sở thích và làm bằng bản năng thì chưa đủ mà phải được đào tạo và chỉ dẫn một cách chuyên nghiệp.

TS Lê Minh Công gợi ý cho các bạn sinh viên nên học cách cân bằng kỹ năng cá nhân và kỹ năng nghề nghiệp.

"Ở đại học, các bạn nên học cách trình bày trước đám đông một cách lưu loát và thuyết phục. Điều đó có thể tự rèn luyện qua việc viết lách, trau dồi vốn ngoại ngữ. Hiểu cặn kẽ kiến thức trên lớp mới có thể đem vào thực hành. Rèn luyện kỹ năng nghề từ sớm qua các buổi thực hành có thể giúp các bạn giỏi nghề khi ra trường", TS Lê Minh Công nói.

Theo TS Hà Thanh Vân - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngoài việc học kỹ năng cần thiết sinh viên cần nắm bắt những cơ hội ở giảng đường. Nên tận dụng tối đa quãng thời gian thực tập ở các doanh nghiệp, cơ quan… để có kinh nghiệm và tạo dựng các mối quan hệ cho công việc sau này.

"Một việc làm thêm phù hợp có thể giúp các bạn vừa học hỏi kiến thức vừa có thêm thu nhập trang trải học phí, làm dày dặn cho lý lịch tìm việc. Nó còn giúp các bạn làm quen, hòa nhập với môi trường làm việc thực tế, đáp ứng nhu cầu công việc của nhà tuyển dụng khi đi làm", TS Hà Thanh Vân khuyên.

Sẵn sàng vào đại học

Trước khi đăng ký nguyện vọng đại học 2024, Cao Nguyễn Khánh An - cựu học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi - đã chủ động tìm hiểu về nghề nghiệp và hỏi về trải nghiệm học đại học của anh chị đi trước.

Khánh An cho rằng tự lập là một kỹ năng quan trọng, giúp bạn ít bỡ ngỡ hơn. Bạn cũng đang tập nói tiếng phổ thông để hòa nhập với môi trường ở đại học.

Thời gian này, bạn chuẩn bị ôn luyện để thi chứng chỉ tiếng Anh (TOEIC) và tin học văn phòng (MOS). Khánh An cho biết bạn đăng ký nguyện vọng 1 và đã trúng tuyển vào ngành luật ở Trường đại học Luật TP.HCM.

Huỳnh Ngọc Xuân Thy bị khiếm thị bẩm sinh nhưng vẫn quyết tâm đăng ký theo học ngành công tác xã hội của Học viện Cán bộ TP.HCM. Theo Xuân Thy, trước đây bạn gặp nhiều trở ngại trong việc tìm các trung tâm, mái ấm hay trường học phù hợp.

Việc làm giấy tờ, thủ tục nhập học cũng khó khăn. Do vậy, bạn muốn làm nhân viên công tác xã hội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình được tới trường.

Bạn cho hay vào đại học là lựa chọn của bản thân để được học ngành mình yêu thích.

Xuân Thy chia sẻ: "Học đại học không chỉ nghe chép, làm bài tập, học thuộc rồi đi thi… mà quan trọng là tự học. Mình biết hành trình đại học còn rất dài với không ít khó khăn như viết tiểu luận, làm khảo sát nghiên cứu khoa học, phản biện thuyết trình… Nhiều thử thách nhưng mình không bao giờ bỏ cuộc".

 

Theo Lý Nguyễn Minh Tân
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây