Tuyển sinh đầu cấp, trường điểm có còn nóng?

Chủ nhật - 03/07/2022 20:35:21

Đầu tháng 7, các trường bắt đầu tuyển sinh đầu cấp lớp 1 và 6. Nhu cầu học trường tốt, trường điểm của phụ huynh khiến các thông tin về nhận học sinh trái tuyến, những chương trình thu hút học sinh nóng hơn bao giờ hết.
 
Tuyển sinh

Hà Nội quyết liệt giảm học sinh trái tuyến

Khác với mọi năm chỉ yêu cầu giảm học sinh (HS) trái tuyến một cách chung chung, năm nay Hà Nội đưa ra những chỉ đạo quyết liệt hơn. Tuy nhiên, nhiều địa bàn có tốc độ đô thị hóa quá nhanh thì chỉ ra thực tế rằng chỉ tuyển đúng tuyến thôi đã quá tải trầm trọng.

Năm 2022, việc tuyển sinh vào lớp 1 tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 1 - 3.7; tuyển sinh vào lớp 6 diễn ra từ ngày 7 - 9.7 theo hình thức trực tuyến. Tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp sẽ diễn ra từ 13 - 18.7. Các trường ngoài công lập tuyển sinh ngay sau khi kết thúc năm học, cụ thể là bắt đầu từ ngày 28.5 - 12.7. Đối với tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022 - 2023 TP.Hà Nội yêu cầu tổ chức tuyển đúng quy chế, công khai, phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho HS. Công tác tuyển sinh được thực hiện theo phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND huyện, thị xã phê duyệt. Hình thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 được giữ nguyên như các năm trước là trực tuyến qua cổng thông tin điện tử: http://tsdaucap.hanoi.gov.vn. Các phụ huynh không có điều kiện ứng dụng về công nghệ thông tin sẽ thực hiện theo hình thức trực tiếp.

Để siết sĩ số HS, năm nay TP.Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị, địa phương “kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận HS trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết Sở đã có văn bản yêu cầu các phòng GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhằm đáp ứng đầy đủ chỗ học cho HS năm học 2022 - 2023; tích cực tham mưu chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, không để xảy ra hiện tượng quá tải; hạn chế tối đa việc nhận HS trái tuyến. Nếu sĩ số HS/lớp vượt so với quy định của điều lệ trường học, phòng GD-ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã, báo cáo Sở GD-ĐT Hà Nội, không để xảy ra hiện tượng quá tải HS ở các trường học.

TP.HCM: Độ nóng vào trường “hot” đang hạ nhiệt

Năm nay, hầu hết quận, huyện ở TP.HCM đều áp dụng công nghệ thông tin vào việc tuyển sinh đầu cấp.

Chẳng hạn UBND Q.1 công bố kế hoạch tuyển sinh năm học mới, phụ huynh HS truy cập vào đường dẫn tuyển sinh trực tuyến để đăng ký theo thời gian quy định cụ thể cho diện trong tuyến và trái tuyến. Cũng theo quy định của UBND Q.1, sau khi HS lớp 1, lớp 6 đúng tuyến làm thủ tục nhập học, nếu còn khả năng tiếp nhận, các trường tiểu học, THCS có thể tổ chức xét tuyển HS diện trái tuyến. Mỗi HS chỉ được đăng ký xét tuyển diện trái tuyến tại một trường.

Đề cập việc đăng ký học trái tuyến trong tuyển sinh đầu cấp, hiệu trưởng một trường có tiếng tại quận trung tâm của TP.HCM cho biết nhu cầu xin học trái tuyến vẫn tồn tại nhưng độ nóng đang có xu hướng giảm dần qua từng mùa tuyển sinh.

Người này dẫn chứng, khoảng 5 năm về trước, nếu ở Q.1, phụ huynh chỉ mong con em vào lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Ngọc Hân…; Q.3 phải là Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Kỳ Đồng, Trần Quốc Thảo… Còn nói đến lớp 6 là các trường như Nguyễn Du (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3), Hồng Bàng (Q.5)… Nhưng đến nay, có nhiều phụ huynh không bằng mọi giá phải cho con vào học các trường tốp mà còn quan tâm đến nhiều yếu tố khác khi chọn trường cho con lớp đầu cấp.

Mới đây, khi đề cập việc tỷ lệ “chọi” vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giảm chỉ còn 1/7, thấp hơn so với các năm trước, lãnh đạo trường này lý giải: “Mục đích, xu hướng lựa chọn của phụ huynh HS đã phần nào thay đổi. Môi trường giáo dục ngày càng phát triển, đa dạng các mô hình học tập và khoảng cách giữa các mô hình cũng dần dần rút ngắn. Do đó phụ huynh ngày càng có nhiều lựa chọn cho con em”.

Được biết, trong hệ thống các trường công lập tại TP.HCM, có nhiều mô hình, chương trình ngoại ngữ, phụ huynh có thể lựa chọn như: Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, trường tổ chức giảng dạy chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh tích hợp…

Chỉ tiếp nhận HS đúng tuyến cũng đã… “ngộp thở”

Chưa cần dùng đến biện pháp giảm HS trái tuyến thì không ít địa bàn ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng do dân số tăng cơ học cùng với tốc độ đô thị hóa.

Ví dụ điển hình là sự việc gây xôn xao dư luận gần đây khi Trường tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) thông báo “đẩy” gần 600 HS sang trường khác để giảm sĩ số cho đạt yêu cầu về trường chuẩn quốc gia. Ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho biết quy định là mỗi địa bàn cấp phường, xã cần có tối thiểu 1 trường tiểu học công lập, P.Hoàng Liệt là phường duy nhất ở Hà Nội có tới 3 trường tiểu học nhưng cả 3 trường đều rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng do dân số tăng quá nhanh.

Hiện P.Hoàng Liệt có tới 100.000 dân, gần 80 tòa chung cư. Với quy mô hiện tại khoảng 8.000 HS tiểu học, để đáp ứng theo quy định về sĩ số HS/lớp của Bộ GD-ĐT thì P.Hoàng Liệt phải có 7 trường tiểu học thay vì 3 trường như hiện nay. Trong khi đó, một số chủ đầu tư đã được giao đất để xây trường tư thục, góp phần giảm áp lực tuyển sinh cho hệ thống trường công thì cả chục năm nay vẫn chưa thực hiện.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cũng chia sẻ nhiều năm nay, quận chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Ví dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh là thuộc H.Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ “tràn” sang Q.Hà Đông. “Trong kế hoạch, phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi trường học phải nhận hơn 55 em/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn HS”, bà Hằng nói.

Thanh Trì là huyện ngoại thành Hà Nội nhưng những năm gần đây một số khu vực xây chung cư cao tầng, không có trường học dẫn đến áp lực tuyển sinh dồn lên các trường lân cận. Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thanh Trì, cho biết thực tế bất cập là Khu đô thị Đại Thanh đưa vào hoạt động nhiều năm nay nhưng không có bất cứ trường mầm non, tiểu học nào, bắt buộc HS đổ dồn về các trường xung quanh, có nơi phải xếp 60 HS/lớp.

Một số địa phương cũng rơi vào tình trạng quá tải cục bộ thì phải “liệu cơm gắp mắm”, điều chỉnh lại phân tuyến tuyển sinh. Ông Lê Đức Thuân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cho biết để giải quyết hiện tượng quá tải cục bộ, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận ban hành văn bản với yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyển sinh. Một trong những việc trọng tâm là tăng quy mô tuyển sinh của một số trường và hạn chế tối đa tuyển HS không đúng tuyến.
Theo Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây