Trường học khắc phục hậu quả lũ lụt; chống lạm thu đầu năm học

Thứ hai - 10/10/2022 06:51:12


Cùng các hoạt động của lãnh Bộ GD&ĐT, thu chi đầu năm học, khắc phục hậu quả lũ lụt là những vấn đề giáo dục nổi bật tuần qua.
 

Trường học khắc phục hậu quả


Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao 5 trường trực thuộc về Ủy ban Dân tộc

Chiều 8/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì lễ bàn giao 5 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT về Ủy ban Dân tộc.

5 trường được bàn giao gồm:Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường mới, bối cảnh mới, cũng là cơ hội, thách thức mới cho cả 2 cơ quan Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và đặc biệt là 5 trường. Bộ trưởng khẳng định, việc chuyển giao dù thế nào cũng chỉ có thể là hướng đến mục tiêu tốt hơn, tốt thêm và vì sự phát triển của 5 trường.

Sau khi chuyển giao, Ủy ban Dân tộc sẽ đảm nhiệm là cơ quan chủ quản với trách nhiệm quản lý nhân sự, bộ máy, tài chính, cơ sở vật chất… nhưng về chuyên môn trách nhiệm vẫn thuộc Bộ GD&ĐT. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trách nhiệm là của hai bên.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết, sẽ chỉ đạo tốt nhiệm vụ chuyên môn với các trường, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình chuyển giao, để việc chuyển giao diễn ra thuận lợi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn các địa phương - nơi các nhà trường đang hoạt động đã quan tâm sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa cho các nhà trường trong giai đoạn phát triển mới.

Ngoài sự kiện này, trong tuần, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đồng thời chủ trì nhiều hoạt động đáng chú ý, như: Tổng kết và trao giải cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử; Hội nghị Công tác văn phòng và truyền thông khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT năm 2022; Hội thảo triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh; Hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới"; Giải chạy S-Race.

Chống lạm thu đầu năm học

Công tác thu chi đầu năm học là thông tin giáo dục được quan tâm trong tuần vừa qua; nổi bật là xử lý vụ việc liên quan đến các khoản thu đầu năm học của Trường THPT Tây Thạnh (Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).

Cụ thể: Cuối tháng 9/2022, nhiều phụ huynh có con đang học ở Trường THPT Tây Thạnh phản ánh nhà trường đưa ra nhiều khoản thu bất hợp lý, dẫn đến số tiền đầu năm phải đóng lên đến gần 6,4 triệu đồng. Nếu vận động thành công và tất cả phụ huynh đều đóng thì riêng quỹ phụ huynh của trường sẽ vào khoảng 1,3 tỉ đồng.

Ngày 6/10, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định về việc xử lý vụ việc liên quan đến các khoản thu đầu năm học của trường này, trong đó có việc phụ huynh học sinh thắc mắc khoản thu quỹ gần 1,3 tỉ đồng.

Nghiêm khắc phê bình hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, Sở GD&ĐT đồng thời đề nghị hiệu trưởng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện các khoản thu đầu năm học chưa đúng quy định.

Cùng ngày, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn gửi các đơn vị giáo dục về việc chấn chỉnh công tác quản lý thu chi đầu năm học 2022 -2023 của ngành GD&ĐT trên địa bàn.

Sở GD&ĐT TP HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện các công văn của Bộ GD&ĐT, UBND TPHCM và của ngành GD&ĐT TP về việc triển khai hướng dẫn thu, sử dụng học phí và thu khác đầu năm học 2022-2023. Đồng thời phải xây dựng dự toán các khoản thu khác theo nội dung hướng dẫn chuyên môn của ngành.

Ngày 7/10, tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tiếp tục có những chỉ đạo kiên quyết liên quan đến hoạt động thu chi trong các nhà trường.

Liên quan đến vấn đề này, ngành GD-ĐT Hà Nội cũng đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác thu, chi ở các trường học, kiên quyết chống lạm thu...

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế hiện tượng lạm thu đầu năm học, đó là công khai, minh bạch các khoản để phụ huynh nắm rõ và thực hiện đúng. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGD&ĐT.

Tại Cà Mau, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thanh Luận đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra các khoản thu đầu năm, tăng cường công tác tham mưu, đề xuất, hiến kế để năm học 2022 - 2023 sớm đi vào nền nếp, tạo niềm tin trong xã hội và đạt hiệu quả. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản thu, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng quy định…

Trường học khắc phục hậu quả lũ lụt

Từ 29/9, do ảnh hưởng của mưa lũ, 34 trường học trên địa bàn huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh đã cho học sinh nghỉ học.

Trong sáng 3/10, 5 trường học ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học vì các tuyến đường giao thông vẫn ngập trong nước lũ, chưa đảm bảo an toàn.

Nhờ có cảnh báo sớm và kinh nghiệm đối phó với mưa lũ nên các trường đã tổ chức thu dọn kịp thời đồ đạc, đưa thiết bị dạy học, bàn ghế đưa lên tầng cao. Do vậy sau lũ, ngoài ảnh hưởng về sân trường, vườn rau của trẻ, không ghi nhận thiệt hại về vật chất, trang thiết bị dạy học.

Sau khi lũ rút, trường học phối hợp với phụ huynh, chính quyền địa phương, các lực lượng Đoàn thanh niên, công an, quân đội cùng tham gia dọn dẹp, nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó, tranh thủ làm loãng nước cho bùn ra theo nước lũ.
Mưa lũ liên tục những ngày qua khiến hàng trăm trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thiệt hại nặng nề.

Không chỉ vậy, nhà cửa và tài sản của nhiều giáo viên còn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Học sinh mắc kẹt trong vùng lũ do giao thông chia cắt.

Trước thực tế đó, lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An đã có sự hỗ trợ kịp thời để giúp nhà trường, giáo viên, học sinh bớt phần nào khó khăn, cố gắng khắc phục hậu quả mưa lũ và sớm tổ chức dạy học trở lại.

Ngay sau khi lũ dừng, các trường khẩn trương chia lực lượng dọn dẹp vệ sinh, phòng dịch bệnh và tổ chức dạy học bình thường. Với những em vẫn trong vùng nguy hiểm, chỉ khi đảm bảo các điều kiện an toàn mới đi học trở lại. Nhà trường cũng có kế hoạch dạy bù, phụ đạo kiến thức cho trò để đảm bảo chương trình năm học.

 

Theo Hải Bình
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây