Tránh ngợp khi đăng ký xét tuyển đại học năm 2023

Chủ nhật - 16/04/2023 05:48:00


Đăng ký xét tuyển đại học năm 2023, thí sinh không nên chọn duy nhất một nguyện vọng nhưng cũng không nên chọn quá nhiều, tránh bị ngợp.

Tránh ngợp khi đăng ký


Không chọn duy nhất một nguyện vọng

Theo TS Nguyễn Quang Thuận, yếu tố quan trọng nhất là mình yêu thích gì. Làm thế nào để xác định cụ thể mình yêu thích ngành nghề gì, thí sinh có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách, hỏi chuyên gia, tư vấn qua truyền hình để có thêm thông tin. Từ đó phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuyển sinh đại học năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển – tư vấn, thí sinh không nên chọn duy nhất một nguyện vọng. Theo đó, các em nên chọn một số nguyện vọng phù hợp với năng lực cá nhân. Song cũng không nên chọn quá nhiều nguyện vọng, tránh bị "ngợp".

Nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về vòng tròn ikigai Nhật Bản. Đây là giao của 4 vòng tròn, với 4 mục tiêu: Thứ nhất, chọn ngành sinh viên giỏi. Thứ hai, chọn ngành thí sinh yêu thích. Thứ ba, chọn ngành xã hội cần. Thứ tư, chọn ngành có thu nhập cao.

Bốn yếu tố rất quan trọng nhưng thực ra chúng ta chỉ chọn được giao của 2 vòng tròn; có khi là chỉ yêu thích và giỏi, mà không tính đến thu nhập cao… Tuy nhiên, nên tối đa hóa lựa chọn, làm sao chọn được giao thoa của cả 3 vòng tròn, còn nếu được cả 4 vòng tròn thì càng tốt.

Đặt vấn đề, làm thế nào để biết mình phù hợp với ngành nào hoặc có thể sẽ giỏi ngành ấy; TS Nguyễn Quang Thuận trao đổi, hiện có 1 số trang hướng nghiệp, thí sinh có thể tham khảo. Đơn cử như Trường Quốc tế có xây dựng trang thông tin hướng nghiệp. Qua đó, giúp các em khẳng định tính cách qua đánh giá, làm bài test… Từ đó, xác định ngành nào phù hợp với mình. Tức là, tính cách của các bạn có thể phù hợp với ngành nghề đó.

Ngoài ra, thí sinh có thể search qua các kênh thông tin để biết những ngành nào có nhu cầu xã hội và khả năng thu nhập cao. “Khi chọn ngành nghề, quan trọng nhất là xét năng lực của mình đến đâu, có yêu thích hay không, nhu cầu xã hội về ngành nghề đó như thế nào, và cuối cùng là thu nhập” - TS Nguyễn Quang Thuận khuyến nghị.

Thí sinh nên chọn ngành trước

Cho rằng, học sinh phải có định hướng nghề nghiệp khi bước chân vào THPT; PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ (GD&ĐT) – nhấn mạnh, các em cần xác định thế mạnh của mình ở đâu. Trước tiên là bố mẹ, sau đó là các chuyên gia tư vấn, các thầy, cô giáo… sẽ giúp nhận diện điểm mạnh của mình.

Thời điểm này chưa phải là muộn, các em vẫn còn thời gian để để tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin từ trang web của các trường đại học cũng rất quan trọng. Điều đó sẽ cung cấp cho các em nhiều thông tin hữu ích.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ quan trọng hơn nữa là xử lý thông tin. Các em cần xem xét những thông tin về dự báo ngành nghề, nhu cầu nguồn nhân lực của các bộ, ngành, của các lĩnh vực được công bố định kỳ hằng năm hoặc những báo cáo 3 - 5 - 10 năm. Từ đó, xem xét nhu cầu phát triển ngành nghề đó trong tương lai như thế nào. Các địa phương cũng có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong từng thời kỳ. Đó là những thông tin các em cần tham khảo ở địa phương mình.

Bên cạnh đó, các em cũng nên tìm hiểu về chính sách tín dụng cho sinh viên để tận dụng trong quá trình học tập đại học. Nó rất cần thiết cho phát triển tương lai của các em.

Với 25 năm trong kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khuyên thí sinh nên chọn ngành trước. Khi các em xác định được ngành nghề sẽ theo đuổi, cống hiến, tâm huyết với nó thì sẽ tạo ra động lực để thực hiện ước mơ. Khi chọn được ngành học rồi, các em sẽ lựa chọn trường đào tạo ngành nghề đó sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, danh tiếng và uy tín của ngôi trường cũng đóng vai trò quan trọng. Bằng đại học sẽ đi theo các em suốt cả cuộc đời. Nó là nền tảng, kỹ năng, phương pháp để học tập ở những bậc cao hơn. Ngành đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con người trong tương lai.

Đối những thí sinh yêu thích một ngôi trường nào đó mà bắt buộc phải vào học tập, thì các em nên chọn những nhóm ngành nghề tương đối gần nhau. “Ví dụ thí sinh xác định theo đuổi ngành kinh tế luật thì chọn những nhóm ngành có liên quan đến đó. Không nên vừa chọn cả sư phạm, công nghệ, kinh tế. Vì như thế là chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ viện dẫn.

 

Theo Minh Phong
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây