'Tôi muốn làm giám đốc': Trường ĐH dạy SV như thế nào?

Thứ năm - 22/12/2022 18:16:23


Nhiều bạn nói: 'Tôi muốn làm giám đốc' nhưng đó chỉ là khát vọng. Còn khi hỏi 'bạn sẽ làm như thế nào để trở thành giám đốc?' thì không phải ai cũng định hướng được.

"Tôi muốn làm giám đốc" là một tình huống mà bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, đưa ra tại buổi tọa đàm "Sự chuyển mình của giáo dục đại học (ĐH) để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai" do Trường ĐH Văn Lang tổ chức sáng 22.12.

Buổi tọa đàm còn bàn đến vấn đề sống trong một thời đại biến động, bất định, không đoán trước và đầy rủi ro, bạn trẻ nói chung và sinh viên nói riêng, phải trang bị những gì để có thể “sống sót” như một cái cây vững vàng trong gió bão?

Giáo dục phải sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi và dịch chuyển

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Vận hành và thành viên Ban Lãnh đạo Microsoft Việt Nam, bắt đầu câu chuyện về sự thay đổi của thế giới bằng những thông tin 4 xu thế công nghệ đang gây tác động sâu sắc lên xã hội, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

Tôi muốn làm giám đốc 1


Bà Quyên cho hay: “4 xu thế đó là di động, mạng xã hội, điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Mạnh mẽ đến mức ngày nay đi đâu chúng ta cũng nghe tới cụm từ “chuyển đổi số”. Nhất là sau đại dịch Covid-19, tốc độ càng đẩy nhanh. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu toàn cầu chỉ ra có 79% công việc sẽ được thay thế bởi máy móc trong tương lai, 65% học sinh tiểu học sau này sẽ làm những công việc mà hiện nay chưa hề tồn tại và trong 3 năm tới 77% doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải có kỹ năng số”.

Theo bà Tú Quyên, kỹ năng số ở đây không còn là sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản hay tìm kiếm thông tin nữa, mà còn là truyền thông mạng xã hội, tiếp thị số, an toàn bảo mật, trí tuệ nhân tạo…

Từ những thông tin bà Quyên đưa ra, tiến sĩ Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, khẳng định chúng ta đang sống trong một thời đại biến động, bất định, không đoán trước và tiềm ẩn đầy rủi ro. “Tương lai có thể sẽ có những điều bất ngờ xảy ra như Covid-19. Chính vì thế, giáo dục cũng phải thay đổi, đào tạo ra lực lượng lao động biết thích ứng với sự thay đổi và ứng phó với những rủi ro đến bất ngờ. Trước đây dạy học sinh, sinh viên một kỹ năng cụ thể, thì bây giờ, trường học phải dạy tư duy sáng tạo, năng lực thích nghi, thích ứng”, tiến sĩ Cao Trí nhìn nhận.

Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, thành viên Hội đồng quản trị Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty thời trang CAO, ví mỗi người như một cái cây và sự chuyển động, thay đổi chóng mặt của thời đại chính là những cơn giông bão. “Thời nay những kiến thức chúng ta vừa mới học được, vài tháng sau đã trở nên lỗi thời. Vì thế, nếu không có tư duy “học, học nữa” để có kiến thức và kỹ năng mới, để sẵn sàng đối mặt, thì như cái cây không có gốc rễ vững vàng, sẽ bị lung lay và gãy đổ”, bà Liên chia sẻ.

Nhưng... không phải cứ học tất cả mọi thứ là tốt

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Cao Trí cho rằng không phải là cứ học tất cả mọi thứ là tốt. Thay vì cái gì cũng học thì hãy biết cái gì không cần học, biết những thứ cần được ưu tiên với bản thân mình.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh lưu ý thêm: “Trong biển cả tri thức bao la, bạn trẻ phải biết cái gì quan trọng, cái gì thứ yếu, mình cần cái gì, mình muốn cái gì và làm thế nào để đạt được… Bản thân chúng ta phải có khả năng giải mã. Để làm được việc đó, bạn trẻ cần có kỹ năng phân tích, tổng hợp và tự định hướng. Nhiều bạn nói: 'Tôi muốn trở thành giám đốc' nhưng đó chỉ là khát vọng. Còn khi hỏi 'Bạn sẽ làm như thế nào để trở thành giám đốc?' thì không phải ai cũng định hướng được, vạch ra được đường đi. Khát vọng phải dựa vào nền móng, tư duy và sự hiểu biết”.

Tôi muốn làm giám đốc


Bà Ninh nêu vai trò của trường ĐH rất quan trọng trong việc trang bị các kỹ năng học tập, kỹ năng mềm để thích ứng với sự thay đổi. “Trong đó, phải chú trọng tới kỹ năng phân tích tổng hợp và tự định hướng vì đây là những thứ sinh viên Việt Nam đang còn yếu trong khi nó rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Trước khi tốt nghiệp, trường ĐH nên kiểm tra 2 kỹ năng này bằng cách đưa ra một bài toán có tình huống cụ thể để các em giải quyết”, bà Ninh nêu quan điểm.

Bà Phan Tú Quyên cũng đề xuất trường ĐH phải thường xuyên có những bài tập cho sinh viên giải quyết các bài toán cụ thể từ doanh nghiệp, cuộc sống để giúp người học rèn giũa kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích, đánh giá và định hướng…

 

Theo Mỹ Quyên 
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây