Tiếng Anh không là môn bắt buộc, học sinh GDTX thiệt thòi

Thứ ba - 13/09/2022 07:15:07

Nhiều năm qua, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT gồm 7 môn học bắt buộc nhưng không có môn tiếng Anh khiến học sinh gặp nhiều thiệt thòi trong việc xét tuyển ĐH cũng như quá trình tuyển dụng, làm việc sau này.
 
Tiếng Anh

Thông tư 12/2022 của Bộ GD-ĐT về chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT có hiệu lực từ ngày 10.9, thay thế cho Quyết định số 50 năm 2016, nhằm cụ thể hóa mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT đối với GDTX. Theo đó, thông tư này quy định các môn học bắt buộc bao gồm: ngữ văn, toán, lịch sử (là 3 môn học bắt buộc) và 4 môn học lựa chọn trong số các môn địa lý, giáo dục kinh tế - pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, tin học và công nghệ.

Trước đó, Quyết định số 50 quy định chương trình GDTX cấp THPT gồm 7 môn học bắt buộc là toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý; 3 môn học khuyến khích là giáo dục công dân, tiếng Anh và tin học do Sở GD-ĐT quyết định trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về giáo dục, đặc điểm đối tượng người học và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Như vậy, mặc dù chương trình GDTX mới đã đưa vào một số môn mới phù hợp với thời đại như giáo dục kinh tế - pháp luật và công nghệ, nhưng ngoại ngữ vẫn chỉ là một môn tự chọn không bắt buộc. Khi thi tốt nghiệp THPT, những học sinh (HS) này cũng không cần thi môn ngoại ngữ.

Chỉ dạy nếu có đề xuất của phụ huynh

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, TP.HCM, cho biết: “Từ năm 2018 trở về trước, ngoại ngữ không hề được dạy trong các trung tâm GDTX ở TP.HCM. Chỉ từ năm 2018 đến nay thì trở thành môn lựa chọn không bắt buộc. Nhận thấy tầm quan trọng của môn tiếng Anh, từ trước tới năm 2018, trung tâm chúng tôi có dạy cho HS để tạo điều kiện cho các em có thể ra ngoài thi chứng chỉ quốc gia. Còn từ năm 2018 đến nay trung tâm có định hướng cho lớp 11, 12 học tiếng Anh 3 tiết/tuần, lớp 10 thì 5 tiết/tuần, trong đó có 2 tiết do giáo viên bản ngữ dạy”.

Theo ông Hoàng, vì không bắt buộc nên các UBND quận thường sẽ không cho biên chế giáo viên tiếng Anh. “Một số giám đốc năng động thì phối hợp với trung tâm ngoại ngữ để dạy nhưng chương trình không phải của Bộ GD-ĐT”, ông Hoàng chia sẻ thêm.

Trong khi đó, tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX Q.10, TP.HCM - Giám đốc Trương Bá Hải cho hay trung tâm dạy theo nguyện vọng của người học với thời lượng một tuần dạy từ 2 - 3 tiết và mục tiêu là để học viên ra ngoài thi lấy chứng chỉ. “Năm nay hầu hết phụ huynh lớp 10 đều đăng ký cho con học thêm môn tiếng Anh”, ông Hải nói.

Thiệt thòi nếu muốn học ĐH

Ông Trương Bá Hải cho biết sau khi hoàn thành chương trình GDTX và dự thi tốt nghiệp THPT, 100% học viên trong trường đều đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng chỉ có thể xét vào những tổ hợp môn không có tiếng Anh. “Cho dù vậy, khi các em học ĐH cũng sẽ rất khó khăn do các trường ĐH đều có yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh. Chỉ có một số em có năng lực thì mới có khả năng đáp ứng”, ông Hải nhìn nhận.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tiếng Anh thời đại ngày nay là vô cùng quan trọng và là một trong những yêu cầu để sinh viên tốt nghiệp ĐH.

Ông Nhân đánh giá: “Cho dù có xét tuyển vào tổ hợp môn không có tiếng Anh, hay những ngành học tưởng như tiếng Anh là thứ yếu, thì các em vẫn cứ gặp nhiều thiệt thòi khi trong quá trình học vẫn có nhiều môn cần đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Kể cả sau này đi làm cũng vậy. Nếu không có nền tảng tiếng Anh từ thời phổ thông thì việc học ĐH và tham gia thị trường lao động đều khó khăn”.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng hầu hết thí sinh GDTX đều không thể chọn học các ngành cần môn tiếng Anh. “Hiện nay có hơn 90% các ngành sử dụng tiếng Anh trong xét tuyển, nên nếu không có điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp tiếng Anh sẽ là một thiệt thòi lớn”, thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Là một giảng viên tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, thạc sĩ Châu Thế Hữu nhận định: “Việc không có kiến thức và kỹ năng tiếng Anh sẽ dẫn đến việc người học mất đi lợi thế cạnh tranh vào các ngành mà mình mơ ước do các ngành này xét tuyển cả môn ngoại ngữ. Ngoài ra, trong quá trình theo học ĐH, người học sẽ không tiếp cận được các kiến thức cập nhật từ giáo trình nước ngoài được xây dựng bằng tiếng Anh”, thạc sĩ Hữu nhận định.

Nên bắt buộc nhưng xây dựng chương trình phù hợp

Từ đó, thạc sĩ Hữu cho rằng cần có một chương trình tiếng Anh phù hợp với học viên GDTX và trở thành môn học bắt buộc. “Cần xây dựng chương trình dạy học tiếng Anh đặc thù, định hướng nghề nghiệp cho các học viên, trên cơ sở cân nhắc kỹ về lộ trình và có phương pháp đánh giá phù hợp”, thạc sĩ Hữu đề xuất.

Ông Trương Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX Q.11, TP.HCM, cũng cho rằng ngoại ngữ là vô cùng cần thiết nên tiếng Anh cần trở thành môn học bắt buộc, quan trọng là chương trình được xây dựng phù hợp với năng lực của học sinh GDTX.

Ông Đỗ Minh Hoàng thì mong muốn đưa ngoại ngữ là môn bắt buộc như chương trình THPT vì quan điểm “GDTX là bổ túc văn hóa” không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng thừa nhận nếu đưa tiếng Anh thành môn học bắt buộc thì việc tuyển giáo viên cũng sẽ gặp không ít khó khăn với các trung tâm GDTX.

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây