Thu nhập tăng thêm... làm khó giáo viên

Thứ tư - 11/12/2019 09:10:01
Từ chối làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vì giảm thu nhập, lo ngại phân công công việc và đánh giá theo cảm tính... là tâm tư của giáo viên trước những quy định trong hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm tại TP.HCM.
 
Thu nhập

Tháng 3.2018, HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết 03 quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý.
Lo ngại phân công cảm tính
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên sẽ thụ hưởng hệ số để tính thu nhập tăng thêm tại từng đơn vị tối đa của năm 2018 là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Lộ trình hệ số thực hiện cơ chế đặc thù này của năm 2019 là 1,2 và năm 2020 là 1,8. Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hằng quý, hằng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, đến ngày 22.7.2019, UBND TP ban hành Văn bản số 2980/UBND-VX về việc hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm, trong đó có quy định đối với trường hợp nghỉ hè của công chức, viên chức ngành giáo dục, thu nhập tăng thêm được tính bằng tổng tiền lương theo ngày thực tế làm việc nhân với hệ số chi thu nhập tăng thêm được hưởng. Trong đó, số ngày làm việc thực tế là số ngày công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử, phân công (bằng văn bản) tham gia các hoạt động chuyên môn của ngành, của đơn vị.
Theo một hiệu trưởng tại Q.Tân Phú, với quy định này, giáo viên nghỉ hè thì không nhận được thu nhập tăng thêm và phụ thuộc vào sự phân công của hiệu trưởng. Như vậy, có thể nảy sinh những bất cập từ quyết định này vì chính vị hiệu trưởng này lo ngại “không tránh khỏi cảm tình, cảm tính trong sắp xếp công việc để người thân với mình có điều kiện tăng thu nhập”.
Còn về phía giáo viên thì cô N.H.H, dạy ngữ văn tại một trường THCS Q.9, chỉ ra sự bất cập: Do đặc thù cùa ngành giáo dục, trong thời gian nghỉ hè, ngoài thời gian nghỉ thì có một số giáo viên tham gia công tác thi, sau đó là tập huấn, học chính trị... thì số ngày hưởng thu nhập tăng thêm tính trên số ngày tham gia công tác. Trong khi đó, bộ phận văn phòng, học vụ làm công tác hành chính thì được hưởng trọn ngày công trong thời gian nghỉ hè.

Lên chức... thu nhập giảm

Cũng liên quan đến chính sách thu nhập tăng thêm, ngày 3.9.2019, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Văn bản số 3728/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công. Theo đó, văn bản này nêu rõ: “Tỷ lệ mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị” đối với tất cả những người đang được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định và làm tròn lên là 01 nếu điều kiện tỷ lệ 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị có số dư bằng hoặc lớn hơn 0,5.
Từ quy định trên, một hiệu phó trường THPT tại Q.Thủ Đức cho hay, ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và văn phòng là những người được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,15 trở lên, chỉ còn 50% số lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được hưởng 100% thu nhập tăng thêm. 50% còn lại chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ và được hưởng 80% của mức thu nhập này. Vị hiệu phó này nhìn nhận, quy định khống chế số lượng lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, ghi nhận năng lực cá nhân. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của ngành giáo dục sẽ dễ nảy sinh những bất cập.
Ông H.V.N, hiệu trưởng một trường THCS Q.Tân Phú, tiết lộ: “Cùng là ban giám hiệu với nhau, cùng chia sẻ công việc và trách nhiệm nên cũng “nhìn nhau” để nhận xét, đánh giá. Nói thật là không thể tránh tình trạng “xoay tua”, cứ lần lượt, quý này hiệu trưởng hoàn thành xuất sắc thì quý sau là hiệu phó.
Ngoài ra, có hiệu trưởng còn chỉ thêm một cách lách vừa thực hiện đúng quy định mà lại “cả nhà cùng vui” là có khi ban giám hiệu ngầm thống nhất với nhau, ai có bậc lương cao hơn thì được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, người có hệ số lương thấp hơn thì nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, chia đều số tiền thu nhập tăng thêm cho các thành viên.
Việc khống chế tỷ lệ 50% nói trên không chỉ dẫn đến kết quả “đánh giá không chất lượng” như lời của một số người đứng đầu nhà trường mà còn khiến giáo viên không muốn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Ông S.H.H, hiệu trưởng một trường THPT, cho hay từng có tổ trưởng chuyên môn đề nghị ban giám hiệu cho “trả” lại chức vụ này vì mỗi quý tiền thu nhập tăng thêm giảm vài triệu đồng.
Theo phân tích của ông S.H.H, theo quy định về tài chính, mỗi tháng, phụ cấp chức vụ của tổ trưởng chuyên môn là 0,25% mức lương cơ bản và tổ phó chuyên môn là 0,15%. Tính ra mỗi tháng nhận thêm chưa đến 300.000 đồng, không đáng bao nhiêu nhưng khi áp tỷ lệ tính thu nhập tăng thêm thì giới hạn 50% sẽ khiến một trong 2 người phụ trách tổ bị giảm vài triệu đồng. Vì vậy, những người đang nhận nhiệm vụ này không mặn mà vì nếu là giáo viên, giỏi chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ sẽ nhận tối đa hệ số thu nhập tăng thêm và không bị khống chế về tỷ lệ.

 
Theo Bích Thanh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây