Thí sinh xét tuyển bằng học bạ giảm mạnh

Thứ hai - 01/05/2023 11:44:52


Không chỉ phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, số thí sinh đăng ký vào các trường theo điểm học bạ ở cả trường công lẫn trường tư đều giảm mạnh so với năm ngoái.

Năm nay, nhiều trường ĐH công lập bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT từ rất sớm. Đến cuối tháng 3, nhiều trường ĐH kết thúc xét tuyển học bạ đợt 1. Đa số các trường nhận được lượng đăng ký thấp hơn so với cùng thời gian này năm trước, trong khi số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức học bạ của một số trường lên tới 40 - 70%.

Thí sinh xét


Có trường mới nhận 1/3 hồ sơ so với năm trước

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là một trong những đơn vị công lập nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ sớm nhất, bắt đầu từ cuối tháng 2. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng trường mới chỉ nhận được hơn 2.000 hồ sơ. Năm nay trường chỉ xét tuyển dựa vào học bạ một đợt đến hết ngày 10.6.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, cho biết số thí sinh (TS) giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nếu năm trước thời điểm này trường nhận được hơn 6.000 hồ sơ thì năm nay chỉ bằng khoảng 1/3.

Năm nay, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM xét tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét dựa vào kết quả học tập THPT chiếm khoảng 30 - 40% tổng chỉ tiêu. Đợt 1 nhận hồ sơ từ tháng 2 đến hết ngày 15.5, nhưng theo tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, dù chưa thống kê số liệu nhưng ghi nhận không khí TS đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường thấy kém sôi động hơn năm trước.

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển sớm từ ngày 1.3 và đến nay có khoảng hơn 30.000 nguyện vọng đăng ký. So với năm ngoái, hồ sơ đăng ký vào trường năm nay giảm nhẹ. Trong đó, 3 ngành dẫn đầu về hồ sơ đăng ký như: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật ô tô. Ngược lại, nhiều ngành TS đăng ký xét tuyển ít như: thiết kế đồ họa, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ in, kiến trúc, công nghệ may, thiết kế thời trang, năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu, kiến trúc nội thất…

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết đợt 1 trường nhận được 25.000 hồ sơ với tổng cộng 62.000 nguyện vọng, thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2022 dù năm nay nhận hồ sơ sớm hơn (ngày 6.2), trong khi năm 2022 là 1.3.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cho hay đến thời điểm này trường mới nhận được 3.000 hồ sơ với gần 4.000 nguyện vọng, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ tiêu xét ở 2 phương thức học bạ là 70%, khoảng gần 5.000 trên tổng số 6.600 chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có khoảng hơn 4.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ đã nộp vào 59 ngành đào tạo của trường. "Tổng số lượng hồ sơ đăng ký tương đương với cùng thời điểm này năm 2022. Tuy nhiên trong đó có gần 3.000 hồ sơ có đầy đủ học bạ theo quy định, còn lại khoảng 25% hồ sơ chỉ đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng chưa có học bạ đính kèm, nên nếu xét về số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển có học bạ thì năm nay có giảm so với năm ngoái", thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, cho hay.

Do Bộ thay đổi quy trình xét tuyển ?

Lý giải hiện tượng này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng có thể điểm chuẩn phương thức xét học bạ đợt 2 năm ngoái của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM ở mức rất cao nên khiến TS e ngại. Năm ngoái, có ngành của trường điểm sàn xét tuyển đợt 2 lên tới 29 dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12. Nhưng nguyên nhân chính, theo thạc sĩ Sơn, có thể do thay đổi trong quy trình xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT. Dù xét tuyển sớm nhưng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn đăng ký xét tuyển chung đợt nên nhiều TS có tâm lý chờ đợi.

Tương tự, tiến sĩ Võ Thái Dân cho rằng: "Hiện có những TS đang có tâm lý rằng dù đăng ký xét tuyển sớm hay không thì sau này khi đăng ký nguyện vọng của Bộ GD-ĐT vẫn được xét trúng tuyển. Có thể cách nghĩ này đang ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ xét tuyển sớm của nhiều TS".

Lý giải về việc nhiều trường có lượng học bạ giảm, tiến sĩ Võ Văn Tuấn nhìn nhận: "Nhiều TS đang hiểu nhầm là không cần chọn phương thức xét tuyển, không cần chọn tổ hợp mà các trường tự chọn phương thức, tổ hợp tối ưu nhất TS đủ điều kiện. Do đó, nhiều TS nghĩ rằng không cần đăng ký xét tuyển tại trường mà chỉ cần đăng ký một lần trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT là đủ. Các em vẫn không hiểu rằng việc xét tuyển sớm chỉ áp dụng đối với phương thức học bạ hoặc phương thức đánh giá năng lực".

Ở một phán đoán khác, tiến sĩ Tuấn cho rằng có thể một số TS rút kinh nghiệm từ các năm trước, dù nộp sớm hay trễ vẫn có lợi thế như nhau nên các em có tâm lý từ từ thôi. Ngoài ra TS còn chờ kết quả học tập của lớp 12 để tìm phương án tối ưu.

"Các năm trước hồ sơ nhiều nhưng tỷ lệ ảo cao, năm nay, có thể TS cũng lựa chọn, cân nhắc kỹ hơn dẫn đến lượng hồ sơ nộp về ít. Mọi năm các em thường nộp và rải 2 - 3 hồ sơ cho một trường, năm nay các em biết dù có nộp nhiều, các trường lọc ảo và theo quy định cũng chỉ xét trúng tuyển vào một ngành duy nhất. Hy vọng nếu như vậy thì tỷ lệ hồ sơ ảo năm nay sẽ giảm", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

Thạc sĩ Trần Hải Nam nhận định có thể do năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức sớm, thời điểm này TS đang tập trung cho kế hoạch học tập và ôn thi học kỳ 2 nên chưa dành nhiều thời gian cho việc hoàn thiện hồ sơ đối với các phương thức xét tuyển sớm.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích thì cho rằng có thể một số TS muốn đợi thi tốt nghiệp THPT xong mới đăng ký. "Mặc dù năm trước một số trường sau khi kết thúc xét tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục xét học bạ bổ sung, nhưng số lượng chỉ tiêu còn rất ít và điểm chuẩn cũng sẽ rất cạnh tranh. Các em không nên chủ quan bỏ lỡ việc xét tuyển sớm, vì rất có thể thi tốt nghiệp THPT xong, điểm của các em không được như ý, lúc đó muốn xét học bạ cũng chưa chắc còn cơ hội vì hầu hết các trường đều đã tuyển xong phương thức này và nhập danh sách trúng tuyển lên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT", thạc sĩ Bích nói.

Tình hình này khiến các trường ĐH hồi hộp, lo lắng. Hiện nay, các trường tiếp tục nhận hồ sơ bằng phương thức học bạ đợt tiếp theo cũng như phương thức thi đánh giá năng lực.

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây