Tài xế xe ôm không lấy tiền của sinh viên mất hai chân

Thứ sáu - 12/07/2019 07:03:58

Nhiều sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành quen với cảnh một sinh viên bị cụt chân ngồi ở cổng trường, một sinh viên khác đến và cõng bạn lên lớp.

tai xe xe om
 

Với sinh viên bị cụt chân Ngô Nhật Tân, ngay từ tiểu học cậu đã được đưa đến lớp theo cách như thế.

"Nếu không học, ở quê phải làm nông, nuôi tôm như cha mẹ, mình sẽ không làm được, rồi lại làm phiền cha mẹ. Giờ chỉ biết cố gắng học để sau này có thể có được công việc tự nuôi sống bản thân mà không là gánh nặng của ai cả." -Ngô Nhật Tân 

Từ một chuyến xe đặc biệt

"Hôm qua, mình chở một sinh viên, chuyến xe xuất phát từ Đỗ Xuân Hợp, Q.9 đi Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cơ sở Nguyễn Hữu Thọ, Q.7. Đường kẹt xe, phải đi hết đoạn đường gần 17km (giá 62.000 đồng) trong một giờ. 

Điều đặc biệt ở đây là cậu này mất cả hai chân (bị cắt tới đùi) do lúc nhỏ không may gặp tai nạn. Cả đoạn đường đi nói chuyện với nhau mới biết cậu này nghị lực phi thường thế nào.

Bình thường sáng cậu ruột chở đi học, nay cậu bận gì đó nên mới đặt xe. Tới trường, mình cõng bạn này vào chỗ bảo vệ, sau đó có bạn cùng lớp cõng vào. Cậu nói học ngành dược, sau này cố gắng mở tiệm thuốc tây vì bị như vậy nên khó học những ngành khác. 

Không biết ước mơ của cậu có thành hiện thực không, nhưng mình hết sức khâm phục nghị lực của cậu này. Bị từ 5 tuổi mà học lên được tới ĐH.

Kết thúc chuyến xe, cậu hỏi tôi bao nhiêu tiền vậy anh. Tôi nói anh không lấy tiền đâu. Nhìn vẻ mặt cậu có vẻ rất vui, tôi cũng thấy nhẹ lòng. Tôi không lấy tiền cậu, nhưng hôm qua tôi được khách boa hơn 50.000 đồng. Mình cứ cho đi sẽ được nhận lại, các anh em à.

Đấy, người ta bị tật cả hai chân mà có nghị lực và sống lạc quan. Chúng ta còn sức khỏe, còn bình thường thì hãy cố gắng sống thật tốt và bớt than phiền về cuộc sống này".

Đây là chia sẻ của một thanh niên chạy xe ôm công nghệ trên Facebook của mình. Cậu sinh viên ấy là Ngô Nhật Tân, sinh viên năm 2 ngành dược. Tân quê ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

 

Không muốn là gánh nặng

Tân hiện ở trọ cùng cậu ruột tại Q.9, TP.HCM. Hằng ngày, cậu chở Tân đi học, chiều đón về. Những ngày đầu học ĐH, cậu chở đến trường rồi cõng lên tận lớp học. Các bạn trong lớp lúc đầu có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau vài lần có bạn chủ động đề nghị Tân để bạn thay cậu cõng lên lớp. 

Với Tân, khoảnh khắc ấy thực sự có ý nghĩa bởi trong suy nghĩ của mình, Tân luôn lo lắng ở nơi mới với những con người mới hoàn toàn, bạn bè trong lớp sẽ có cái nhìn giễu cợt và ngại tiếp xúc. Gánh nặng trong lòng đã được cởi bỏ phần nào.

20 tuổi, Tân chỉ đi lại được trên đôi chân của mình trong 5 năm đầu đời trước khi chẳng may trượt chân, ngã vào máy bơm nước đang chạy trong ao nuôi tôm của gia đình. Tân nói không nhớ cụ thể lúc đó mọi việc diễn ra thế nào nhưng một chân bị cưa đến nửa đùi, chân còn lại không cử động được, băng trắng toát.

Lúc tiểu học, cha cõng Tân đến lớp. Lên cấp 2, gia đình mua cho Tân chiếc xe lăn để có thể tự đi học. Tuy nhiên, khi vào lớp, Tân phải nhờ các bạn và thầy cô cõng vào bàn học. Thời THPT, Tân phải lên thị trấn ở nhờ nhà cô. Hằng ngày, các bạn trong lớp đến chở Tân tới trường, cõng Tân vào lớp.

Những ngày đầu ĐH, hầu như Tân không dám nói chuyện với ai vì có cảm giác mọi người nhìn mình bằng ánh mắt dò xét, hiếu kỳ. Rồi câu nói "để mình cõng bạn lên lớp" của các bạn trong lớp đã xua đi những ám ảnh, lo ngại của Tân. Giờ không chỉ một, Tân nói có nhiều bạn đồng cảm nên thay phiên đưa Tân lên lớp.

Hoàng Bảo - sinh viên cùng lớp với Tân - cho biết khi đến trường Tân cứ việc ngồi ngoài cổng, bạn nào trong lớp tới trước sẽ cõng Tân lên. Các bạn tự mặc định như vậy, chứ hoàn toàn không có sự phân chia nào cả.

 

"Mình giúp được người ít may mắn được điều gì hay điều ấy, sao nỡ lấy tiền của họ. Mình giúp người rồi cũng sẽ có người khác giúp mình khi cần thiết" - Phạm Minh Đức, tài xế xem ôm không lấy tiền sinh viên cụt chân chia sẻ.

Đức năm nay 22 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đức quê ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi tuần một lần Đức chạy xe cho hãng Goviet để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học.

Đức kể sáng nhận được cuốc xe khu vực đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9. Khu này rất hay kẹt xe nên khi nhận, Đức cũng lưỡng lự. Khu vực nhà khách ở khó tìm, gọi điện nhiều lần mới tìm được nên Đức nói "thực sự có chút bực bội". Tuy nhiên, khi đến nơi, thấy khách bị tật, cụt chân không đi được, Đức thấy sợ. Sợ chở đi lỡ có việc gì, Đức là người mang tội.

Mông lung vậy nhưng Đức vẫn đi. Cậu bế Tân lên xe, chạy xe thật chậm. "Bữa đó mình chạy chậm nhất có thể. Chạy nhanh sợ chẳng may gặp ổ gà hay gờ cao, xe lắc mạnh bạn ngồi phía sau bị rớt xuống đất" - Đức nói.

Dọc đường đi, Đức hỏi Tân và biết được hoàn cảnh và cảm thấy nể phục. "Tân bị như vậy từ 5 tuổi mà vẫn cố gắng học lên tới ĐH. Chẳng may mình rơi vào hoàn cảnh như vậy, chẳng biết mình có làm được như bạn ấy không nữa" - Đức chia sẻ.

Tới cổng trường, Tân nhờ Đức chờ xíu để bạn ra cõng mình xuống xe. "Thôi gọi chi, để anh cõng em xuống", nói rồi Đức dựng xe cõng Tân vào chỗ bảo vệ...

Nói về việc không lấy tiền xe ôm cậu sinh viên bị cụt chân, Đức nói "đó là điều bình thường bởi mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều, có thể tự do đi lại, học hành, làm việc cũng thuận lợi hơn. Mình giúp được người ít may mắn được điều gì hay điều ấy, sao nỡ lấy tiền của họ"...
 

Theo Minh Giảng
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây